Chán ăn là biểu hiện của bệnh gì?

Thứ Sáu, 31/05/2024, 13:52 [GMT+7]
In bài này
.

Hỏi: Tôi 57 tuổi, là bảo vệ cho một công ty. Trước đó tôi nặng 64 kg, sức khỏe ổn định nhưng khoảng nửa năm trở lại đây, tự nhiên tôi chán ăn, đến bữa chỉ ăn nửa chén cơm thì không muốn ăn nữa. Hiện tại tôi sụt mất 9kg. Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân và cách để có thể ăn uống bình thường trở lại.

(trudu...@gmail...)

Các buổi vui chơi dã ngoại gần gũi thiên nhiên giúp cải thiện chứng chán ăn. (Ảnh minh họa)
Các buổi vui chơi dã ngoại gần gũi thiên nhiên giúp cải thiện chứng chán ăn. (Ảnh minh họa)

Trả lời: Chán ăn ở người lớn là hiện tượng cơ thể phản ứng lại những thức ăn mà ta dùng hàng ngày. Y học chia chán ăn thành 2 dạng là chán ăn sinh lý và chán ăn bệnh lý.

Chán ăn sinh lý xảy ra với những người mà trong bữa ăn có quá nhiều thức ăn hoặc bữa nào cũng chỉ có 1, 2 loại thức ăn giống nhau, kéo dài từ ngày này sang ngày khác. Khi ấy hệ tiêu hóa sẽ phản ứng lại bằng một hiện tượng mà ta gọi là “ngán”, thí dụ như ngán thịt luộc, ngán cá kho, ngán trứng chiên, ngán rau xào…

Chán ăn sinh lý cũng có thể xảy ra nếu đột ngột gặp phải cú sốc như người thân qua đời vì tai nạn, mất cắp tài sản lớn, thất vọng trong tình cảm… Hoặc phải uống một số loại thuốc điều trị bệnh, chẳng hạn như thuốc trị chứng thừa dịch vị dạ dày có chứa nhôm hydroxit và magne hydroxit. Nó tạo ra cảm giác đầy hơi, no giả tạo. Một số loại thuốc kháng sinh cũng gây chán ăn nhưng thường thì sau khi ngưng thuốc, hiện tượng chán ăn sẽ hết.

Chán ăn bệnh lý, phần lớn nguyên nhân đều do một số bệnh về đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hoá, viêm loét dạ dày, viêm đại tràng, ăn kiêng không hợp lý. Bên cạnh đó, chán ăn bệnh lý còn do rối loạn giấc ngủ, lao phổi, lao màng phổi, lao ổ bụng... Ngoài ra, các bệnh nội tiết như tiểu đường, suy tuyến giáp hoặc suy tuyến thượng thận, cơ thể thiếu chất sắt, vitamin B12 cũng gây ra tình trạng chán ăn kéo dài.

Chán ăn kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống, đặc biệt ở độ tuồi trung niên và người già vì nguồn năng lượng nuôi dưỡng cơ thể ngày càng cạn kiệt, sức đề kháng suy giảm, dễ mắc phải một số bệnh, nếu đã mắc bệnh thì thời gian hồi phục sẽ lâu hơn, thậm chí là không thể hồi phục.

Điều trị chứng chán ăn kéo dài ở người lớn: Đầu tiên phải tìm ra nguyên nhân gây chán ăn bằng cách kiểm tra sức khỏe tổng quát. Khi đó bác sĩ sẽ cho làm các xét nghiệm như chụp X quang tim phổi, đo điện tim, nội soi dạ dày, đại tràng, chụp cắt lớp các bộ phận như gan, mật, tuỵ, thận, tuyến tiền liệt (nếu là đàn ông), xét nghiệm máu… rồi từ đó, bác sĩ sẽ có hướng điều trị cụ thể.

Với người chán ăn, cần tạo cho mình những thói quen tích cực như ăn đúng giờ, không bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng, khi ăn nên nhai kỹ, nuốt chậm, không nên vừa ăn vừa đọc báo, xem tivi, xem điện thoại, không ăn vặt, không uống nước ngọt, cà phê sữa hoặc nước có gas như soda 1 tiếng trước khi đến bữa chính.

Xây dựng thực đơn sao cho các món ăn thay đổi hàng ngày, ăn chung cùng gia đình, đồng nghiệp để tạo không khí vui vẻ, chọn một môn thể dục đơn giản như đi bộ, bơi lội, cầu lông… và tập đều đặn hàng ngày. Nếu đã có sẵn bệnh, tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ về thuốc men, liều lượng điều trị.

Bs NGUYỄN THỊ PHƯƠNG MAI

;
.