Cảnh báo nguy cơ trẻ đuối nước dịp hè
Ao, hồ luôn là sự lựa chọn ưa thích của trẻ em vào dịp nghỉ hè và thời tiết nắng nóng. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn đuối nước thương tâm.
Nhiều người vẫn thản nhiên câu cá tại khu vực cắm bảng nguy hiểm tại hồ Đá Đen (huyện Châu Đức). |
Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn
Những năm qua, nhiều vụ trẻ em rủ nhau tắm ao, hồ dẫn đến đuối nước đã xảy ra, để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội. Riêng năm 2023, có ít nhất 17 trẻ tử vong do đuối nước và đa số những vụ việc đau lòng thường xảy ra vào dịp nghỉ hè.
Ngày 10/5, chúng tôi có mặt tại hồ Đá Đen, hồ Đá Bàng (huyện Châu Đức), hồ Sông Ray (huyện Xuyên Mộc), hồ Châu Pha (TX.Phú Mỹ) - những nơi đã từng xảy ra một số vụ đuối nước thương tâm. Mực nước xuống thấp làm lộ các bãi cát dài dọc lòng hồ. Nhiều người dân, gia đình đến các bãi cát này để vui chơi, giải trí vào buổi xế chiều.
Người dân thả lưới bắt cá tại hồ Châu Pha (TX.Phú Mỹ), bất chấp nguy hiểm. |
Tại hồ Đá Đen, nhiều thanh niên đến câu cá. Một số người dẫn con đến hóng mát, vui chơi dọc bờ hồ. Tại hồ Châu Pha, chúng tôi cũng ghi nhận những hoạt động tương tự, thậm chí nơi đây vẫn có người thả lưới bắt cá, dù mới xảy ra vụ đuối nước làm một người đàn ông tử vong hồi tháng 4 vừa qua. Điều đáng nói là xung quanh các khu vực bờ hồ, lực lượng chức năng đã đặt nhiều bảng cảnh báo nhưng đều bị… ngó lơ.
Chị Trương Thị Ánh (ngụ xã Châu Pha) cho biết, tai nạn đuối nước luôn là nỗi lo lắng thường trực của các bậc phụ huynh mỗi dịp hè. "Trên địa bàn đã xảy ra một số vụ HS bị đuối nước. Do đó, tôi quản lý con rất chặt, nghiêm cấm tắm ao hồ", chị Ánh chia sẻ.
Để phòng ngừa tai nạn đuối nước, từ đầu năm 2024 đến nay, Sở LĐTBXH đã phối hợp cùng ngành giáo dục và các địa phương tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, tập huấn kỹ năng bơi lội, thống kê điểm nguy cơ xảy ra đuối nước. Trong tháng 5, Sở đã có kế hoạch tổ chức các buổi tuyên truyền, trau dồi kỹ năng bơi lội tại các trường học ở địa bàn TX.Phú Mỹ, huyện Châu Đức và huyện Xuyên Mộc. |
Tập trung công tác tuyên truyền
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Vân Anh, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, từ đầu năm đến nay, Sở không ghi nhận trường hợp trẻ em bị đuối nước ở sông, hồ tự nhiên. Đây là hiệu quả rõ rệt từ công tác tuyên truyền cũng như sự quản lý chặt chẽ của nhà trường, phụ huynh đối với các em HS.
Tuy nhiên, hồi đầu tháng 4 vừa qua, một vụ đuối nước xảy ra tại khu du lịch thuộc xã Hòa Long (TP.Bà Rịa) làm một trẻ em tử vong. Nguyên nhân do phụ huynh lơ là trong việc trông coi trẻ, đồng thời cơ sở này cũng không có người giám sát, cứu hộ tại hồ bơi.
Theo bà Nguyễn Vân Anh, nguy cơ đuối nước không chỉ xảy ra ở các ao, hồ tự nhiên mà còn ở cả hồ bơi nhân tạo. Do đó, phụ huynh, nhà trường khi đưa trẻ đến hồ bơi nhân tạo cần bố trí người theo dõi hoạt động vui chơi, học tập. Đối với môi trường sông, hồ tự nhiên, tuyệt đối không để các em tự ý đến tắm, đặc biệt trong dịp nghỉ hè.
Người dân vui chơi tại hồ Châu Pha (TX.Phú Mỹ) vào buổi xế chiều. |
Để tăng cường giải pháp phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em, Ban Chỉ đạo Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tỉnh vừa có văn bản gửi đến sở, ban, ngành, công an các địa phương. Ban Chỉ đạo yêu cầu Sở GĐ-ĐT tăng cường tuyên truyền phòng, chống đuối nước; trau dồi kỹ năng bơi lội; khuyến cáo HS không tắm ở sông, suối, ao hồ nguy hiểm, đặc biệt trong dịp nghỉ hè. Địa phương cùng nhà trường, đoàn thanh niên cần phối hợp quản lý chặt HS trong thời gian không đến trường.
Các địa phương cần tổ chức tuần tra, cứu hộ cứu nạn tại các bãi biển, lưu ý cắm cờ, biển báo tại các vùng nước xoáy; rà soát các cơ sở kinh doanh lưu trú có hồ bơi, yêu cầu bảo đảm an toàn cho người sử dụng dịch vụ.
Sở NN- PTNT rà soát công trình thủy lợi, biển cảnh báo đuối nước, sửa chữa nếu có hư hỏng và xem xét lắp đặt thêm camera giám sát tại các điểm nguy cơ gây đuối nước.
Bài, ảnh: TRẦN TIẾN