Bồi dưỡng kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương

Thứ Sáu, 24/05/2024, 12:14 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 24/5, tại TP.Hồ Chí Minh, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức lớp bồi dưỡng “Kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương”.35 nhà báo tại các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương các tỉnh phía Nam tham dự khóa bồi dưỡng.

Phát biểu khai mạc, nhà báo Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho biết, lớp bồi dưỡng nhằm giúp các nhà báo tăng cường sự hiểu biết và nhận thức về các vấn đề liên quan đến các nhóm dễ bị phân biệt đối xử.

Nhà báo Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam.
Nhà báo Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc lớp bồi dưỡng.

Nhà báo Nguyễn Thị Hải Vân mong muốn, với chức năng thông tin, định hướng dư luận, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí có trách nhiệm cung cấp cho công chúng những thông tin chính xác, để có thể góp phần xóa bỏ sự kỳ thị, phân biệt đối xử với các nhóm dễ bị tổn thương.

Tại lớp học, các phóng viên, biên tập viên được cung cấp những kiến thức về nhóm phụ nữ và người khuyết tật; pháp luật quốc tế và Việt Nam về chống phân biệt đối xử; nhóm LGBT và thực trạng tại Việt Nam; đạo đức và cách thức đưa tin hiệu quả, tích cực về nhóm người dễ bị tổn thương.

Nhà báo trao đổi tại lớp bồi dưỡng.
Nhà báo trao đổi tại lớp bồi dưỡng.

PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng, nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho biết, nhóm dễ bị tổn thương ở Việt Nam bao gồm: Phụ nữ (phụ nữ di cư, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ dân tộc thiểu số, góa phụ, phụ nữ cao tuổi...), người khuyết tật, trẻ em, cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính, liên giới tính, chuyển giới...).

Theo PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng, phân biệt đối xử với phụ nữ, người khuyết tật và cộng đồng LGBT là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận các cơ hội và sự tham gia bình đẳng của họ trong xã hội.

Vì vậy, trong vai trò cung cấp thông tin phù hợp, chính xác và khách quan cho người dân, các cơ quan thông tấn, báo chí và nhà báo có trách nhiệm bảo vệ mọi thành viên trong xã hội khỏi sự phân biệt đối xử.

                                                                                  Tin, ảnh: CẨM NHUNG

 

;
.