Ai nên là tay hòm chìa khóa?

Thứ Sáu, 10/05/2024, 16:52 [GMT+7]
In bài này
.

Khi đã là vợ chồng hợp thức, thì tài sản sau hôn nhân bao gồm cả tiền bạc sẽ là của chung. Tuy nhiên, không ít cặp vợ chồng gặp những vấn đề xích mích, mâu thuẫn khi quản lý và sử dụng tiền bạc.

Vợ chồng nên có thỏa thuận trong quản lý tài chính gia đình. (Ảnh minh họa)
Vợ chồng nên có thỏa thuận trong quản lý tài chính gia đình. (Ảnh minh họa)

Hơn 10 năm lấy nhau, chị Phương (chung cư Bình An, TP.Vũng Tàu) chưa bao giờ được cầm tiền của chồng. Mọi sinh hoạt phí trong gia đình, quan hệ họ hàng nội ngoại mình chị cáng đáng hết. Tiền của anh, anh bảo để tích cóp.

“Khi mới cưới, chỉ là hai vợ chồng son thì mình tôi xoay xở được, nhưng giờ thêm 2 em bé, nào bỉm, nào sữa và vô vàn khoản chi khác nữa thì thật đau đầu. Tôi không muốn vợ chồng sinh sự nhau vì chuyện tiền nong, nhưng cái kiểu phớt lờ của anh ấy thật sự làm tôi mệt mỏi”, chị Phương chia sẻ.

Những câu chuyện về người phụ nữ khổ khi chồng giữ tiền không phải là cá biệt trong thời đại ngày nay. Ông bà ta nói “của chồng công vợ” - chồng vất vả kiếm tiền, vợ cũng vất vả không kém, thậm chí vất vả hơn nhiều trong công việc chăm sóc con, làm việc nhà. Để vợ tự chủ về tiền bạc cũng là cách trân trọng những giá trị thầm lặng mà họ tạo nên mỗi ngày trong mái ấm gia đình.

Câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản trên lại là bài toàn khó với nhiều cặp vợ chồng trẻ khi bước vào hôn nhân. Theo một số nghiên cứu gần đây, khoảng 70% căng thẳng, xung đột vợ chồng liên quan đến vấn đề tài chính.

Có những đôi vợ chồng sống rất hiện đại, ta gọi là “kiểu Tây”. Chồng giữ tiền chồng, vợ giữ tiền vợ, chi tiêu góp chung. Đó là cách hay, rạch ròi, đâu ra đó, không ai có cảm giác đang bị đối phương kiểm soát về kinh tế.

Vợ chồng anh Huy, chị Trang (phường 10, TP. Vũng Tàu) là điển hình như vậy. Lương ai người ấy tự cất giữ. Hai vợ chồng lập kế hoạch cụ thể và rõ ràng trong việc quản lý chi tiêu gia đình hàng tháng. Chẳng hạn, anh Huy đóng tiền học cho 2 con, chị Trang lo chi tiêu ăn uống cho cả gia đình. Anh đóng tiền phí chung cư, chị đóng tiền điện, nước…

“Mình nghĩ là tiền tiêu chung hay tiêu riêng không quan trọng. Quan trọng là cả hai cùng có ý thức chia sẻ công việc với nhau, khi có chuyện lớn thì cùng nhau gánh vác, thế là ổn”, chị Trang chia sẻ.

Thay vì tiền ai nấy tiêu như vợ chồng anh Huy, chị Trang, một số gia đình trẻ khác lại chọn cách “lương chồng gửi tiết kiệm, lương vợ để chi tiêu hàng ngày”.

Kết hôn gần 20 năm nay, song vợ chồng anh Thành, chị Quỳnh (phường Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu) chưa bao giờ phải “nặng nề” chuyện tiền bạc. Cách mà anh chị thường làm là hàng tháng, anh Thành sẽ đưa 80% lương về nhà cho vợ gửi tiết kiệm hoặc mua vàng, anh chỉ để khoảng 2-3 triệu đồng trong thẻ ATM để tiêu vặt. Chỉ những khoản lớn hoặc có công việc gì quan trọng cần dùng đến nhiều tiền thì vợ chồng mới phải thông qua ý kiến của nhau.

Trong khi đó, một kiểu phân chia tài chính gia đình khác cũng được nhiều vợ chồng trẻ ngày nay áp dụng, đó là kiểu “thân ai nấy lo”. Theo đó, mỗi người tự quản lý phần tiền lương của mình và đóng góp chi tiêu chung của gia đình, dạng như “góp gạo thổi cơm chung”. Khi một trong hai người hết tiền, họ vẫn vui vẻ hỏi mượn tiền của người còn lại, nói rõ khoản chi cho đối phương. Và tất nhiên, đây là khoản vay “không hoàn lại”.

Kiểu cuối cùng là “hai túi tiền thông nhau”, tức là vợ và chồng hợp hai khoản tiền lương lại, cùng nhau quản lý và chi tiêu đồng đều. Trong đó, tiền chi tiêu hàng ngày như ăn uống, điện nước... cả hai đóng góp theo tỷ lệ thu nhập của mỗi người và chỉ cần nạp tiền vừa đủ cho chi tiêu hàng tháng. Tiền chi tiêu riêng của ai người nấy giữ. Tiền tiết kiệm và đầu tư cũng được chia theo quy tắc ai giữ của người nấy và phải minh bạch. Trường hợp xấu nhất như đầu tư thua lỗ hoặc kinh doanh không có lãi... thì ít nhất vẫn còn người kia và sinh hoạt phí vẫn được đảm bảo. Nhờ vậy, cả hai đều nắm được rõ ràng các khoản thu - chi hàng ngày và cùng “hợp sức” thực hiện những kế hoạch tiết kiệm, đầu tư lớn hơn cho tương lai.

THẢO NGUYÊN

;
.