Viêm mũi dị ứng là bệnh lý phổ biến, thường xảy ra khi thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh, từ nắng sang mưa.
Bệnh cũng có thể xảy ra do hít phải những yếu tố gây dị ứng như phấn hoa, nấm mốc, khói bụi, khói xe, lông chó, mèo nuôi trong nhà, bụi phấn ở trường học, hóa chất trong các nhà máy, sợi vải ở các xưởng may, lông động vật trong các lò giết mổ, khói nhang trong các đền chùa, bụi xi măng, bụi thạch cao, bụi gạch nung trong các nhà máy chế tạo vật liệu xây dựng, bụi gỗ trong các xưởng mộc…
Nó biểu hiện bằng những cơn hắt hơi kéo dài, sổ mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi, chảy nước mắt, nước mũi… và mặc dù bệnh không nghiêm trọng nhưng nó ảnh hưởng đến chất lượng sống và sinh hoạt hằng ngày.
Thông thường, nếu là viêm mũi dị ứng theo chu kỳ, người bệnh chỉ cần làm sạch mũi bằng cách nhỏ dung dịch nước muối (Natri Chlorid) có bán ở các nhà thuốc, hạn chế ra ngoài khi thời tiết chuyển mùa. Nếu vì công việc phải ra ngoài, nên đeo khẩu trang. Còn nếu viêm mũi dị ứng không theo chu kỳ, các triệu chứng liên tục lặp đi lặp lại, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị sớm nhằm tránh những biến chứng như đau nhức hốc mũi, ho nhiều và sốt, ăn uống kém hoặc bỏ ăn, sụt cân, mất ngủ, phù nề, thở khó hoặc các biến chứng viêm loét vùng tiền đình mũi, viêm họng, viêm phế quản; viêm xoang, viêm tai giữa…, đặc biệt là ở trẻ em.
Bs NGUYỄN THỊ PHƯƠNG MAI