.

Ngột ngạt vì 'nửa kia' quá sạch!

Cập nhật: 17:13, 12/04/2024 (GMT+7)

Ông bà ta thường nói: “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”. Tất nhiên rồi, ai cũng muốn nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ ngăn nắp. Sau thời gian làm việc về không gì khó chịu cho bằng nhìn thấy nhà cửa bề bộn, nền nhà đầy những rác, mọi vật dụng nằm la liệt lung tung. Tất cả những điều ấy tạo ra cho người ta một cảm giác bực bội, khó có thể vui vẻ.

Dù không phải khảo sát một cách quy mô khoa học, nhưng tôi thừa biết rằng bất kỳ cặp vợ chồng nào cũng hướng đến sự sạch sẽ trong mái ấm của mình. Ấy thế, thật kỳ lạ khi có người lại than thở rằng sống chung với “một nửa” sạch sẽ quá cũng... chẳng sung sướng gì. Nghe bạn bè “tám” như thế, tôi hết sức lấy làm ngạc nhiên. Và chính vì thế cũng gợi cho tôi sự tò mò tìm hiểu xem sao.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

“Bồ tèo có biết không, lắm lúc đi làm về mệt đứ đừ, chỉ muốn bước nhanh ngồi vào bàn cầm đũa ăn qua loa ba miếng, rồi leo lên giường đánh một giấc. Thế thì sướng quá”. Tôi ngạc nhiên: “Chuyện này bình thường thôi. Nhà mình, mình muốn thì cứ việc, chứ có ai cấm cản gì đâu?”. Thế là bạn tôi tuôn ra một tràng như pháo liên thanh, khiến tôi há mồm ra mà ngạc nhiên.

Đại khái vừa bước vào bàn ăn, bà xã đã hỏi cực kỳ âu yếm: “Anh đã rửa mày rửa mặt chưa? Chưa? Đã đi tắm chưa? Chưa. Đã thay quần áo chưa? Chưa”. Ừ, chưa thì đã sao, có gì ghê gớm? Thế nhưng, cô vợ nằng nặc buộc người chồng phải “sửa sai” ngay tắp lự: “Em biết ngay mà, thôi chịu khó đi anh”. Nếu mọi ngày, công việc bình thường đang có cảm giác thư thả thì không sao, nay, nghe lời đề nghị này tuy không sai nhưng người chồng cũng thấy mệt.

Tôi biết, có người sở hữu tâm lý rất lạ là nhìn đâu cũng thấy không sạch sẽ. Có anh chàng nọ do ngày mai công tác, vì thế đêm đó phải tranh thủ đi ngủ sớm. Đang ngon giấc chìm vào mộng đẹp bóng nghe tiếng kêu í ơi: “Dậy mau! Dậy mau. Xem kìa, tấm drap giường bẩn  như thế này, chồng vẫn đặt lưng ngủ được à? Mấy tuần nay chưa thay bao gối, vậy mà chồng không ngửi thấy mùi gì à? Chịu khó dậy giùm một tí chồng ơi”. Đang ngủ mà nghe đánh thức bất thình lình như thế này cau có lắm. Rồi sau đó, chuyện gì sẽ xảy ra nhỉ?

Thế đấy, có những trường hợp ta thấy rất bình thường, không có gì đáng phàn nàn, thế nhưng lại có người không thế. Chẳng hạn, khi đi ăn tiệc tùng, sinh nhật, đám cưới điều cần thiết nhất là có mặt đúng giờ theo thư mời. Còn ăn mặc cốt lịch sự, quần áo thẳng thớm, sạch sẽ là được. Khổ thay, “nửa này” thấy sạch sẽ nhưng nửa kia lại chưa, mới thiệt éo le.

Ngày kia, sau khi diện quần áo đâu vào đó, tôi vừa mở cửa đẩy ra khỏi nhà, bỗng nghe tiếng gọi giật ngược: “Anh vào nhà gấp”. Chuyện gì thế nhỉ, tôi ngạc nhiên quá. Cô vợ mới hỏi gọn bâng: “Thay cái áo sơ mi đi anh”. Sao lại thay, áo mới mặc sáng này kia mà? Dù biết thế, nhưng nàng bắt buộc phải thay cho sạch sẽ. Bình thường chả sao, nhìn thấy kim đồng hồ đã gần đến giờ dự tiệc, tôi đâm ra ngần ngừ. Nàng bảo: “Vậy, anh… đi một mình đi”. Với “chiêu” này, tất cả những người chồng trên trái đất này không thể không chấp hành đề nghị của vợ.

Đành rằng, sạch sẽ là cần thiết nhưng cũng nên “vừa vừa phải phải”, chứ “triệt để” quá e cũng không ổn. Thường sau khi ăn tối xong, người chồng muốn bước ra sân hóng gió, bằng không thì mở truyền hình xem chương trình thời sự. Tóm lại là cần nghỉ ngơi. Mấy hôm nay, trời có mưa, sàn nhà lấm lem cũng thường tình. Việc đâu còn có đó, sáng mai lau cũng chẳng sao. Con người ta có lúc làm việc, có lúc nghỉ ngơi, chứ nào phải cái máy đâu. Vậy mà cô vợ nằng nặc bảo chồng phải lau sạch cho bằng được.

Những việc này không to tát nhưng rồi chính nó lại có tác động tiêu cực đến đời sống gia đình. Đành rằng, không ai thích chung sống “đầu ấp tay gối” với người không sạch sẽ, nhưng một nửa lúc nào cũng yêu cầu sạch sẽ một cách thái quá thì cũng khiến nửa kia cảm thấy cuộc sống chung trở  nên ngột ngạt.

LÊ MINH QUỐC

.
.
.