.
NGÀY THẾ GIỚI NHẬN THỨC VỀ TỰ KỶ 2/4

Để trẻ tự kỷ hòa nhập, phát triển tốt

Cập nhật: 19:10, 01/04/2024 (GMT+7)

Chấp nhận sự khác biệt và đồng hành với con bằng tình yêu thương, phối hợp nhà trường trong chăm sóc, giáo dục con, là cách để các bậc cha mẹ giúp trẻ tự kỷ dần hòa nhập cộng đồng.

Cô Trần Thị Bích Ngọc, giáo viên Trung tâm Phước An  trong một giờ dạy trẻ tự kỷ.
Cô Trần Thị Bích Ngọc, giáo viên Trung tâm Phước An trong một giờ dạy trẻ tự kỷ.

Niềm vui khi con tiến bộ

“Mẹ ơi ăn cơm”, Ngọc Anh (5 tuổi) nói khi đang ngồi chơi với mẹ khiến chị Ngọc Linh (phường 9, TP.Vũng Tàu) mừng rơi nước mắt. Đây là lần đầu tiên cháu biết “yêu cầu” khi đói bụng. Trên bàn ăn, chị Linh tiếp tục hướng dẫn con phát âm các từ cơm, thịt, rau… và kiên nhẫn chờ con đọc theo.

Bà Trịnh Thị Cánh, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐTBXH) cho biết, năm 2021, UBND tỉnh có Quyết định số 1618/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch thực hiện chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030. Kế hoạch hướng đến mục tiêu huy động sự tham gia của toàn xã hội, tăng cường trợ giúp về vật chất, tinh thần cho các đối tượng trên hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Ngọc Anh là con đầu lòng của chị Linh. Khi con đã gần 2 tuổi, chị thấy con không bi bô học nói, không tương tác với mọi người như những đứa trẻ cùng tuổi, vợ chồng chị Linh đưa con đi khám, mới biết con mình mắc hội chứng tự kỷ. Năm 2019, chị đưa con tới Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phước An (viết tắt là Trung tâm Phước An), sau vài tháng, Ngọc Anh đã phát âm những từ đầu tiên, như ba, bà, cá khiến cả nhà phấn khởi.

Tại đây, Ngọc Anh được các GV chăm sóc, dỗ dành những cơn nóng giận bột phát của em và dạy em phát âm. Từ một đứa trẻ không tiếp xúc với ai, Ngọc Anh đã biết quay lại khi mọi người gọi tên, biết thực hiện những câu nói của người khác, như: Lấy ly nước, quần áo bỏ vào giỏ và biết tự xúc cơm ăn… Chị Linh dành thời gian đưa con ra công viên, khu vui chơi, và dù con còn nhút nhát, nhưng đã chịu chơi ở nơi đông người. “Tiến bộ của con mỗi ngày là niềm vui cho cả gia đình. Hy vọng sau này con hòa nhập được với các bạn đồng trang lứa”, chị Linh vui vẻ nói.

Mặc dù không nói được như Ngọc Anh, nhưng những tiến bộ của em Tô Quang Trí (13 tuổi) cũng khiến vợ chồng chị Nguyễn Thị Hậu (phường 8, TP.Vũng Tàu) vui mừng. Trí bị khiếm thị, lại đa khuyết tật, trong đó mắc hội chứng tự kỷ khiến việc chăm sóc và can thiệp cho em vất vả bội phần. Những cơn nóng giận đến đột ngột, cháu tự cắn vào tay hoặc làm đau mình. Cha mẹ thì không cách nào tương tác được với con dù đã đưa cháu đi khắp nơi điều trị, kể cả ra nước ngoài.

Năm 2021, vợ chồng chị Hậu chuyển từ Hà Nội vào TP.Vũng Tàu sinh sống và 2022, cháu được gửi vào Trung tâm Phước An. GV đã đeo đồ bảo hộ để Trí không còn tự làm đau mình được, đồng thời kiên trì hướng dẫn em các kỹ năng tự lập. “Cháu tiến bộ rất nhiều, mặc dù không nói được, nhưng cháu đã biết nghe khi gọi tên, biết tự vệ sinh và đưa một số đồ vật cho cha mẹ. Trí thích nghe nhạc thiếu nhi nên mỗi tháng tôi đều đổi nhạc để cháu vui”, chị Hậu nói.

Giúp trẻ hòa nhập

Bà Lê Thị Chính Lan, Giám đốc Trung tâm Phước An cho biết, trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ thường có các biểu hiện như: Không phát triển hoặc kém phát triển kỹ năng giao tiếp, tương tác mắt, gương mặt. Trẻ tự kỷ gặp khó khăn ở rất nhiều mặt như kém về ngôn ngữ, không biết giao tiếp, tương tác xã hội, rối loạn giác quan, rối loạn hành vi, kém kiềm chế cảm xúc…

Ngày 2/4 hằng năm được LHQ công nhận là Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ. Hội chứng tự kỷ là một triệu chứng về rối loạn lan tỏa do bất thường của não bộ xuất hiện sớm trong những năm đầu đời, ở mức độ khác nhau, từ nhẹ đến nặng và diễn biến kéo dài.

Vì vậy, cha mẹ cần chú ý quan sát, nhận biết những dấu hiệu bất thường, cho con đi khám tại các khoa chuyên biệt của các bệnh viện để phát hiện sớm và có phương pháp can thiệp kịp thời. Càng phát hiện sớm thì tiến trình phục hồi của trẻ mắc chứng tự kỷ càng nhanh. Giai đoạn “vàng” để can thiệp hiệu quả là khi trẻ dưới 3 tuổi. Cha mẹ cũng cần chuẩn bị tâm lý tốt, học cách chấp nhận sự khác biệt của con để cùng đồng hành.

Theo bà Lê Thị Chính Lan, nếu được can thiệp sớm, trẻ có thể hòa nhập với các bạn đồng trang lứa. Hằng năm, tại Trung tâm Phước An có khoảng 4-5 trẻ tự kỷ “tốt nghiệp” trung tâm để hòa nhập, học với các bạn đồng trang lứa. Trong đó, có những trẻ học rất giỏi, thi đậu vào các trường đại học danh tiếng. “Như tháng trước, 1 phụ huynh đã báo với các cô, cháu N. là trẻ tự kỷ từng được can thiệp ở trung tâm, giờ đã trở thành SV năm nhất, ngành Khoa học Máy tính, Trường ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, khiến chúng tôi mừng suốt cả tháng”, bà Chính Lan chia sẻ.

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

.
.
.