Khúc ca Giải phóng Điện Biên ngàn đời vang vọng

Thứ Sáu, 26/04/2024, 18:37 [GMT+7]
In bài này
.

Những ngày này cả nước đều hướng về “70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ” những con tim của “con Lạc, cháu Hồng” trên khắp mọi miền lại rạo rực cùng câu hát: “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về giữa mùa này hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui…”.

Một góc thành phố Điện Biên Phủ. Ảnh: HÀ KHÁNH
Một góc thành phố Điện Biên Phủ. Ảnh: HÀ KHÁNH

Xốn xang, rạo rực là phải thôi, vì nếu không có “Chiến thắng Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” thì làm sao dân tộc Việt Nam được độc lập, tự do, hưởng cuộc sống tươi đẹp như ngày hôm nay! Cũng từ cái xốn xang, rạo rực ấy mà bản thân tôi dẫu đã đôi lần đến Điện Biên, nhưng giữa những ngày thu tháng Tám vừa rồi khi được Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam mời tham gia chuyến thực tế sáng tác về vùng Tây Bắc, ban đầu tôi hơi ái ngại vì sức khỏe nhưng được sự động viên của anh em văn nghệ sĩ, tôi lại hăm hở lên đường.

“Qua miền Tây Bắc ngút ngàn trùng xa, đèo cao, bao suối sâu vượt qua, bộ đội ta vâng lệnh Cha già…” những câu hát đó đã đưa chúng tôi cùng các văn nghệ sĩ đến với Sơn La, Điện Biên và Lai Châu, nơi ghi dấu những đoàn quân Tây Tiến để “Chín năm làm một Điện Biên, nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”. Khi xe đang ầm ì vào cua thứ nhất, thứ hai của đèo Pha Đin thì chuông điện thoại bỗng reo lên:

- Đoàn mình đến đâu rồi, khi nãy tôi quên không nhắc, lẽ ra khi qua đất Thuận Châu, chuẩn bị leo đèo Pha Đin thì vào thăm lại nơi diễn ra cuộc mít tinh kỷ niệm 5 năm chiến thắng Điện Biên (1959) mà Bác Hồ đến dự và gặp gỡ, tri ân đồng bào các dân tộc Tây Bắc.

Đây quả là một thông tin quý giá về lãnh tụ Hồ Chí Minh - Người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang. Cảm ơn người bạn đồng nghiệp nguyên là Tổng Biên tập báo Sơn La về lời hỏi thăm này. Vì không biết, nên bỏ qua một địa chỉ đỏ thiêng liêng của dân tộc nhưng từ đây chúng tôi coi như trong chuyến đi này có Bác Hồ kính yêu chúc mừng và phù hộ cả đoàn gặp nhiều may mắn, vạn sự hanh thông! Có lẽ nhờ thế mà Pha Đin - một con đèo ngoằn ngoèo tới 32km mà chúng tôi cứ như đi trong mây, trong sương, trong nắng vàng của mùa lúa chín cùng màu xanh ngút ngàn của núi đồi, tôn thêm sắc trắng mê hồn của hoa ban.

Rồi thoáng nghe đâu đây tiếng hò kéo pháo của các chiến sĩ vệ quốc quân với tấm áo trấn thủ 36 đường gian khổ còn ám khói bom, khói đạn của chiến trường: “Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua đèo, hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua núi” và hình như trong đoàn quân trùng trùng ấy thấp thoáng hình ảnh của người thiếu niên dân tộc Mông Vừ A Dính, người cùng trang lứa và có những chiến công tương tự như anh Kim Đồng của Cao Bằng.

Vượt đèo Pha Đin chừng 70km nữa, chiếc xe rẽ trái đưa chúng tôi vào Mường Phăng. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là tấm biển: “Tổng đài điện thoại sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ”. Đây chính là đại bản doanh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một vị tướng mà cả kẻ bại trận cũng phải nể trọng và hết lời ngợi ca. Men theo chiến hào 320m, trong đó 96m đường hầm như để lắng nghe từng bước chân của Đại tướng sang hầm Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, rồi sang hầm của cố vấn quân sự Vi Quốc Thanh, nghe tiếng bút chì khoanh tròn trên tấm bản đồ, nghe tiếng thở thật sâu và phát ra mệnh lệnh “Đánh chắc, thắng chắc” đầy uy lực, mạnh mẽ, dứt khoát như để bóp nghẹt quân thù để tạo nên thiên sử vàng dân tộc.

Rồi nghe đâu rất nhiều lần, vị Đại tướng của lòng dân cùng đồng đội quay trở lại thăm mảnh đất đầy chiến tích, nơi mà Đại tướng cùng với các chiến sĩ thân yêu của mình “…56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non. Gan không núng, chí không mòn…” nơi ông đã đấu trí với một nền văn minh thực dân nổi danh phía trời Tây, đấu trí với một tướng tài “bách chiến bách thắng” trong quân đội viễn chinh Pháp, có hầm sắt, có những cứ điểm bê tông cốt thép, có đại bác, xe tăng, máy bay và hơn 16.000 binh hùng, trang bị tối tân đến tận chân răng, đó là chưa kể hàng vạn quân tinh nhuệ đang nhăm nhe nơi biên giới sẵn sàng chi viện. Nhưng với lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc, bằng tài thao lược của Đại tướng và bằng ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của đội quân chân đất đầu trần, chiến dịch Điện Biên đã làm nên một “kỳ đài dân tộc”.

Từ đỉnh núi Chiến Thắng, nơi có hầm đại tướng nhìn xuống cánh đồng Mường Thanh mà mường tượng ra “xứ trời”, một vùng đất được coi là “đất tổ” của những tộc người Thái ở Đông Nam Á. Nơi có một cánh đồng dài hơn 20km, rộng 6km, có dòng sông Nậm Rốm chảy qua làm cho cánh đồng “xứ trời” trở thành một cánh đồng màu mỡ có một không hai giữa núi rừng trùng điệp.

Lúa Mường Thanh uống nước sông Nậm Rốm, thấm đẫm phù sa của cả sông Đà và nhiều sông suối khác để hạt gạo nơi đây nổi tiếng khắp trong Nam, ngoài Bắc, theo cánh bay ra tận nước ngoài với vị thơm ngon, dẻo ngọt và là đặc sản nổi tiếng của vùng Tây Bắc. Hạt gạo Mường Thanh, hoa ban trắng rừng, trắng bản, những cô gái Thái xưa nay nổi tiếng đẹp người, đẹp nết, điệu xòe cứ dâng lên trong mỗi đêm lửa hội bập bùng làm con tim xuyến xao, cho cuộc đời mãi xanh tươi…

Cánh đồng Mường Thanh “sơn thủy hữu tình” là vậy, thế mà cách đây 70 năm về trước là một “chảo lửa” do thực dân Pháp “đốt” lên. Song vinh quang thay nhờ có Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhờ có Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp toàn dân, toàn quân ta đã dồn sức, đồng lòng để đội quân Cụ Hồ ngày ấy sau “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm” làm nên chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu, để Điện Biên Phủ hôm nay trở thành thành phố anh hùng, tỉnh anh hùng và là điểm hẹn của du khách và bạn bè quốc tế gần xa!

Có lẽ ai cũng thế, đoàn nào cũng thế, lên Điện Biên không phải là chỉ để ngắm nhìn những đổi thay tươi mới của Điện Biên mà chủ yếu là để chiêm ngưỡng, tìm hiểu về các di tích lịch sử ghi lại những chiến công oanh liệt, hào hùng của một trận quyết chiến chiến lược, vĩnh viễn lật nhào ách đô hộ của thực dân Pháp, giành lại độc lập tự do cho nước nhà.

Khi đến cổng nghĩa trang, cả đoàn chúng tôi không ai bảo ai lặng lẽ xếp thành hàng, kính cẩn nghiêng mình trước tượng đài để tạ ơn các anh hùng liệt sĩ. Sau đó, chia thành từng tốp đi thắp nhang cho các bia mộ. Tôi biết đây chỉ là một trong những nghĩa trang liệt sĩ của Điện Biên. Toàn nghĩa trang có 800 ngôi mộ nhưng chỉ có 4 bia mộ có tên, đó là các anh hùng liệt sĩ: Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện và Trần Can, còn lại chỉ là tấm bia trắng với một ngôi sao.

Rời khu bia mộ tôi đến hai bức tường lớn phía trong cổng, ở đó ghi tên tuổi của gần 3.000 liệt sĩ hy sinh ở Điện Biên. Phảng phất trong khói hương, chân lần từng bước theo những dòng tên màu vàng dằng dặc hiện trên nền đá đen lòng chúng tôi như thắt lại, mắt đỏ hoe!

Trong dằng dặc hàng tên ấy đông nhất là quê ở Nghệ An, Thanh Hóa và sau đó là Cao Bằng. Quê hương Cao Bằng, một tỉnh lúc đó dân chưa phải là đông lại xa xôi cách trở ngàn trùng mà ngót nghét một tiểu đoàn mãi mãi nằm lại trên đất Điện Biên. Máu đào của các anh đã hòa vào máu đào của cả nước, nhuộm thắm lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc, trực tiếp là để: “Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng”, xin được ngàn lần tạ ơn các anh!

Liền kề với nghĩa trang là đồi A1. Rặng cây tếch dễ đến năm, sáu chục tuổi quanh sườn đồi, sắp thành cây cổ thụ xanh mướt dưới ánh mặt trời như vẫn ngày ngày tươi cười chào đón khách. Sau một phút dừng chân, chúng tôi trèo lên đỉnh. Ấn tượng mạnh nhất trong tôi khi lên đến đỉnh là một hố sâu chừng 20m, rộng chừng 100m, đó chính là dấu tích còn lại của quả bộc phá nặng gần 1 tấn.

Theo hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì quả bộc phá phát nổ vào lúc 20 giờ 30 phút ngày 6/5/1954. Quả bộc phát nổ đã hất tung một mảng đồi, tạo thành một hố lớn giữa lòng chảo Điện Biên. Đây chính là đòn quyết định cuối cùng kết thúc 56 ngày đêm giành giật cứ điểm này, mở đường quyết định vào trung tâm bắt sống tướng Đờ Cát.

Nhìn một vùng biên ải, một thung lũng đầy chiến tích chiến tranh, tôi không khỏi xúc động. Kế hoạch Nava, một kế hoạch bình định cả 3 nước Đông Dương và cả phía Nam Trung Quốc đã được bộ não siêu cường, nâng lên đặt xuống ở một thành phố hoa lệ nơi góc trời Tây đã bị chôn vùi tại nơi đây.

Khi đứng bên cửa hầm Đờ Cát, tôi cố hình dung thời điểm ông cúi lom khom tay cầm mảnh vải trắng vẫy vẫy ra hàng kiểu gì khi ông ta là một vị tướng được mệnh danh “bất khả chiến bại”. Rồi nghe đâu đây đã có lần ông cùng vợ sang thăm lại Điện Biên năm xưa, đến chào và “thỉnh an” Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông ấy đã nghĩ gì về đời binh đao, khói lửa của mình trong trận quyết chiến này!

Trớ trêu thay, đối lập với hình ảnh của một vị tướng bại trận là một đám cưới ngay sau chiến thắng tại hầm Đờ Cát giữa một chiến sĩ vệ quốc đoàn với một nữ quân y, khi má của họ, nụ cười của họ còn vương mùi thuốc súng thế mà họ ôm lấy nhau, tặng cho nhau múi dù chiến lợi phẩm. Có lẽ chẳng ở đâu, chẳng nơi nào trên thế gian này có một tình yêu mãnh liệt và một đám cưới độc đáo hiếm có như ở đất nước này. Và thử hỏi còn có hạnh phúc nào, lãng mạn nào hơn lãng mạn này!

Từ một cứ điểm quân sự, một thung lũng “vàng” trong kế hoạch Nava, một mong chờ khống chế 3 nước Đông Dương của thực dân Pháp, sau 70 năm Điện Biên phủ, “mường trời” - Mường Thanh nay đã trở thành một thành phố anh hùng, đã và đang hòa nhập vào công cuộc đổi mới và hội nhập, từng bước vươn lên để trở thành một thành phố xanh, sạch, đẹp và tráng lệ như ý nguyện của ông vua Thiệu Trị năm 1841 trong một chuyến vi hành về xứ mường trời này đã đổi tên xứ này là Điện Biên, những mong nơi này hoành tránh như cung điện nhà vua bất khả xâm phạm nơi biên ải vùng Tây Bắc của Tổ quốc!

Và để ca khúc “Giải phóng Điện Biên” ngàn đời vang vọng, ngàn đời rạng rỡ và cũng để đám cưới kia cũng ngàn đời lãng mạn.

Bút ký của CHU SĨ LIÊN

;
.