.

Động lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên

Cập nhật: 18:46, 04/04/2024 (GMT+7)

Huyện Châu Đức đã dành nhiều nguồn lực chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, bộ mặt nông thôn vùng dân tộc thiểu số ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao.

Chủ tịch UBND huyện Châu Đức Nguyễn Tấn Bản (bìa trái) trao Thư cảm ơn đại diện các nhà tài trợ tại lễ bàn giao nhà đại đoàn kết cho hộ bà Nguyễn Thị Thu Hiền (xã Bình Trung).
Chủ tịch UBND huyện Châu Đức Nguyễn Tấn Bản (bìa trái) trao Thư cảm ơn đại diện các nhà tài trợ tại lễ bàn giao nhà đại đoàn kết cho hộ bà Nguyễn Thị Thu Hiền (xã Bình Trung).

An cư trong nhà mới

Những ngày đầu tháng 4/2024, trở lại xóm Ruộng Tre (xã Bình Trung), chúng tôi nhận thấy nhiều đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc Châu Ro. Hầu hết các ngôi nhà đều được xây dựng kiên cố, bán kiên cố; con đường nhựa phẳng phiu dài hơn 3km từ lộ vào, giúp đồng bào đi lại, vận chuyển hàng hóa và sản xuất thuận tiện.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 kháng trang, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (thôn 1) chia sẻ: "Được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ xây dựng nhà mới, gia đình tôi rất cảm động và biết ơn. Có nơi ở ổn định, tôi yên tâm làm ăn để nâng cao chất lượng cuộc sống".

Cách đó chừng hơn 5km, 4 thành viên trong gia đình gia đình chị Thổ Thị Màu (thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc) cũng tràn ngập niềm vui sướng khi căn nhà xập xệ, xuống cấp năm nào được thay thế bằng ngôi nhà cấp 4 khang trang, giá trị trên 100 triệu đồng do địa phương vận động nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng.

Gia đình chị Hiền, chị Màu là hai trong 169 hộ dân tộc có nhà ở xuống cấp và vừa tách hộ chưa có nhà ở được huyện Châu Đức huy động các nguồn lực, hỗ trợ xây dựng nhà mới trong giai đoạn 2019 - 2024. Tổng kinh phí xây dựng mới và sửa chữa nhà ở trên 13 tỷ đồng; trong đó, nguồn ngân sách hỗ trợ gần 12 tỷ đồng, nguồn DN ủng hộ gần 1,2 tỷ đồng. Đến nay, các hộ đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện cơ bản không còn nhà tạm, nhà xập xệ.

Để giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, huyện sẽ ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí gắn với đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, huyện còn đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với xây dựng nông thôn mới.

(Ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức)

Ông Đào Văn Dương, Bí thư Chi bộ thôn Lồ Ồ cho biết, với bà con dân tộc thiểu số, ngôi nhà mới đã hiện thực hóa giấc mơ của họ. Việc xây dựng nhà ở được chính quyền xã thống nhất với bà con về cách thức, đảm bảo theo nguyện vọng, phù hợp với phong tục tập quán và thuận lợi trong sinh hoạt. Để người dân sớm được ở trong những ngôi nhà mới, lãnh đạo huyện, xã thường xuyên kiểm tra, tích cực đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình.

Cùng với đó, MTTQ các cấp trong huyện còn huy động các nguồn lực, hỗ trợ xây 289 nhà vệ sinh với số tiền gần 3,5 tỷ đồng; lắp điện sinh hoạt cho 141 hộ, lắp nước máy cho 241 hộ, với tổng số tiền hơn 3,5 tỷ đồng, giúp các hộ khó khăn có thêm động lực, ý chí vươn lên trong cuộc sống.

2 năm nay, vợ chồng ông Đào Văn Mai (xã Bàu Chinh) có thu nhập mỗi tháng hơn 10 triệu đồng từ 5 sào bưởi da xanh.
2 năm nay, vợ chồng ông Đào Văn Mai (xã Bàu Chinh) có thu nhập mỗi tháng hơn 10 triệu đồng từ 5 sào bưởi da xanh.

Hỗ trợ tiếp cận vốn vay ưu đãi

Những năm qua, thông qua Hội Nông dân các cấp, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Châu Đức đã được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất; tập trung chủ yếu các mô hình nuôi bò thịt, nuôi dê sinh sản, nuôi gà ta thả vườn, trồng cây ăn trái…

5 năm qua, Hội Nông dân huyện Châu Đức đã hỗ trợ cho 19 hộ hội viên nông dân dân tộc thiểu số vay vốn phát triển kinh tế với số vốn 710 triệu đồng. Bình quân mỗi hộ được vay từ 40-50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi và trồng trọt.

Vợ chồng ông Đào Văn Mai, ở thôn Tân Bình (xã Bàu Chinh) là một trong những hộ dân tộc thiểu số thoát nghèo từ chương trình hỗ trợ vốn của Hội Nông dân.

Trước đây, gia đình ông có gần 1ha đất, nhưng chỉ quanh quẩn trồng bắp, đậu nên chỉ đủ ăn. Từ khi tham gia sinh hoạt Hội, được tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, cùng với số vốn vay 50 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân vào cuối năm 2021, ông Mai thay đổi cách nghĩ, cách làm.

Đến nay, gia đình ông Mai đã có 5 sào bưởi da xanh. Để bảo đảm tỷ lệ hoa đậu trái cao, ông Mai chăm bón rất kỹ từ lúc cây mới ra hoa. Ngoài ra, ông chú trọng khâu cắt cành, tạo tán, tỉa trái để giúp cây có số lượng trái vừa đủ, chỉ để lại những trái có kích cỡ đều nhau, không bị bệnh. Nhờ vậy, trái bưởi lớn rất đều và tròn. Với chế độ chăm sóc phù hợp, chỉ sau 4 năm trồng, vườn bưởi đã cho thu hoạch trên 2 tấn/năm.

Hộ ông Dương Văn Hồng (xã Bàu Chinh) có thu nhập mỗi năm gần 200 triệu đồng từ nuôi dê sinh sản.
Hộ ông Dương Văn Hồng (xã Bàu Chinh) có thu nhập mỗi năm gần 200 triệu đồng từ nuôi dê sinh sản.

Cũng tại thôn Tân Bình (xã Bàu Chinh), gia đình ông Dương Văn Hồng có thu nhập mỗi năm gần 200 triệu đồng từ nuôi dê sinh sản. Ông Hồng cho biết, trước đây ông tận dụng các loại lá cây trong vườn nên chỉ nuôi 7 con dê sinh sản để có thêm chi phí trang trải gia đình. Tháng 7/2022, sau khi được vay 50 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, ông đã mở rộng chuồng trại, mua thêm dê giống; đồng thời, trồng 3 sào cỏ làm thức ăn cho dê. Nhờ chăm sóc tốt, đến nay đàn dễ đã phát triển lên hơn 100 con, trong đó có 47 con dê sinh sản.

Thông tin từ UBND huyện Châu Đức cho biết, năm 2019, toàn huyện có 237 hộ đồng bào dân tộc nghèo, đến cuối năm 2023 đã thoát nghèo 100%, huyện không còn hộ nghèo đồng bào dân tộc. Các chương trình, chính sách, đề án trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, lao động việc làm... được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện.

Bài, ảnh: ĐINH HÙNG - ĐỨC QUẢNG

 

.
.
.