Bạn thích hương vị thơm ngon của cà phê nhưng lại sợ những tác động không tốt cho sức khỏe của chất caffeine có trong cà phê. Trang Well and Good đưa ra 4 cách giảm tác động của caffeine lên cơ thể như tránh đồ uống chứa caffeine khi bụng đói, uống nước...
Tránh đồ uống chứa caffeine khi bụng đói
Một trong những cách tốt nhất để giảm tác động của caffeine lên cơ thể là tránh uống đồ uống chứa caffeine khi bụng đói. Những tác động tiêu cực của caffeine như lo lắng, bồn chồn hoặc nhịp tim nhanh có thể giảm đi khi cơ thể đã được bổ sung một ít thức ăn.
Một số loại thực phẩm nên ăn trước khi uống đồ uống chứa caffein như thực phẩm giàu chất xơ (ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau) bởi giúp làm chậm quá trình hấp thụ caffeine vào máu. Các thực phẩm như trứng, sữa chua, các loại hạt giúp ổn định lượng đường trong máu và giảm cảm giác bồn chồn.
Bên cạnh đó, thực phẩm chứa carbohydrate phức hợp như bột yến mạch hoặc bánh mì nguyên hạt có thể làm chậm quá trình hấp thụ caffeine và cung cấp khả năng giải phóng năng lượng bền vững hơn.
Uống nước
Uống nước trước và sau khi tiêu thụ caffeine có thể giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước và ngăn ngừa các vấn đề tiêu hóa tiềm ẩn. Uống một ly nước vào buổi sáng trước khi uống cà phê có thể giúp làm loãng tác dụng và tác động của caffeine.
Xác định thời điểm tiêu thụ caffeine
Tiêu thụ caffeine vào buổi sáng giúp đảm bảo rằng tác dụng của caffeine sẽ hết khi đi ngủ, giảm nguy cơ rối loạn giấc ngủ. Nên ngừng tiêu thụ caffeine muộn nhất là trước 13h. Nếu dễ bị trào ngược axit, cố gắng tránh nằm ngay sau khi uống đồ uống có chứa caffein. Đứng hoặc ngồi có thể giúp ngăn axit dạ dày chảy ngược lên thực quản.
Ăn nhẹ sau khi tiêu thụ caffeine
Ăn nhẹ sau khi tiêu thụ caffeine có thể giúp giảm thiểu tác động của caffeine lên cơ thể. Chuối giàu kali giúp bổ sung chất điện giải có thể bị cạn kiệt do tác dụng lợi tiểu của caffeine và cũng có thể hỗ trợ duy trì sức khỏe tim mạch và giảm tác động của cảm giác bồn chồn do caffeine gây ra.
NGUYỄN THI (Tổng hợp)