Hình ảnh hàng cây mủ trôm cổ thụ trước cổng bệnh viện Lê Lợi cũ (TP.Vũng Tàu) qua bao mùa nắng vẫn gây thương nhớ cho nhiều người.
Hàng cây mủ trôm màu vàng rộm trước cổng bệnh viện Lê Lợi cũ. |
Những ngày qua, trên các trang Facebook, Zalo của bạn bè, đâu đó lại có người đăng tấm hình hàng cây mủ trôm vàng rộm với vài lời xuýt xoa, xao xuyến. Chị Thúy Hà, một người dân thành phố tự nhận rằng dù con đường chị đi làm hàng ngày từ nhà đến cơ quan không cần phải qua đường Lê Lợi, nhưng mùa mủ trôm thay lá, chị lại đi vòng cho xa chỉ để ngắm hàng cây mủ trôm khoác lên mình chiếc áo vàng lấp lánh dưới nắng tháng 3.
Tôi cũng vậy, thỉnh thoảng có việc đi ngang qua phố lại ngẩn ngơ với hàng cây mủ trôm. Hôm rảnh rỗi, tôi dừng xe ngắm thật kỹ từng chiếc lá, bông hoa, từng giọt mủ trôm còn đọng lại trên thân gỗ. Trời càng nắng, cây trôm tiết ra càng nhiều mủ.
Theo Công ty CP Phát triển công viên cây xanh và đô thị Vũng Tàu (UPC), trôm là cây gỗ lớn, thân thẳng, hình trụ, lá hình tim. Mủ trôm ra hoa từ tháng 2 đến tháng 4. Hoa mủ trôm thường có 5 cánh xòe ra như ngôi sao. Từ tháng 5 đến tháng 9 là mùa trôm kết trái. Hàng mủ trôm trên đường Lê Lợi có 10 cây, tuổi đời khoảng 50-60 năm, cao 10-12m. Dù trải qua nhiều trận mưa to, gió lớn và cả giông bão nhưng hàng cây mủ trôm vẫn khỏe mạnh. Mùa mưa thì xanh tươi mơn mởn, mùa nắng thì vàng rộm tỏa bóng mát cả một dãy phố dài.
Tại một số tỉnh, cây trôm được trồng để lấy mủ. Mủ trôm khô được các cơ sở chế biến xử lý làm sạch và chuyển thành các sản phẩm phục vụ nhu cầu giải khát, làm đẹp của con người… Nhưng TP.Vũng Tàu không trồng trôm để làm kinh tế mà là để làm cảnh quan đường phố, để giữ đất, giữ rừng. Có lẽ vì lý do đó mà không chỉ trên đường Lê Lợi, hẻm 444 Trần Phú (đường lên Núi Lớn) cũng có một hàng cây mủ trôm nổi tiếng là điểm “check-in” siêu đẹp khi đến TP.Vũng Tàu. Người ta gọi đó là những hàng cây trôm gây thương nhớ.
Bài, ảnh: QUANG VŨ