Trẻ đến trường không muốn về

Thứ Ba, 26/03/2024, 18:00 [GMT+7]
In bài này
.

Vì được chơi, được học, được bảo bọc và yêu thương, trẻ chỉ muốn được đến trường. Kết quả tưởng chừng đơn giản đó lại là hành trình 8 năm triển khai Xây dựng môi trường chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm.

Tại các trường MN, GV sử dụng nguyên liệu tái chế làm đồ dùng đồ chơi cho trẻ, vừa tiết kiệm,  vừa bảo đảm an toàn.
Tại các trường MN, GV sử dụng nguyên liệu tái chế làm đồ dùng đồ chơi cho trẻ, vừa tiết kiệm, vừa bảo đảm an toàn.

Học sinh là trung tâm của mọi hoạt động

“Mỗi sáng, con tôi háo hức được đến trường. Sau giờ học thì nán lại chơi các trò chơi trong khuôn viên trường, vui tới nỗi không muốn về nhà…”, bà Hồng Thảo có con học ở Trường MN Hương Sen (TP.Vũng Tàu) chia sẻ, đôi mắt lấp lánh niềm vui ngắm nhìn con gái đang tíu tít chơi đùa với bạn bè.

Dạo một vòng quanh ngôi trường rộng 5.600m2, chúng tôi phần nào hiểu được lý do ngôi trường này lại “lôi cuốn” các em đến vậy. Toàn bộ diện tích trong khuôn viên trường được tận dụng để tạo ra những góc “học mà chơi” theo tiêu chí lấy trẻ làm trung tâm.

Ở đó có mô hình giao thông ngã tư đường phố với các phương tiện, sa bàn giao thông được làm từ nguyên liệu tái chế. Bên cạnh là khu vườn “Xứ sở thần tiên” giúp trẻ được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên với những bông hoa đủ sắc màu, những chiếc chong chóng rực rỡ quay trong gió cùng các nhân vật trong truyện cổ tích…

Đặc biệt là khu “Phát triển vận động” tạo cơ hội cho trẻ tích cực vận động, chơi các môn thể thao như bóng đá, bóng rổ. Sân chơi được lót thảm cỏ xanh mát bảo đảm an toàn cho trẻ… Nhà trường còn thiết kế 1 lớp học Steam, giúp trẻ được trải nghiệm đủ 5 lĩnh vực: khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật, toán học.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường MN Hương Sen cho biết, thời gian qua, cùng với việc cải tạo các góc vui chơi trong và ngoài lớp học, nhà trường đã tập trung nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ.

Chú trọng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chăm sóc, dạy dỗ trẻ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Chăm chút từng bữa ăn của các con, trước hết bằng việc xây dựng, đổi mới thực đơn hằng ngày đa dạng, phong phú. Vào giờ ăn, giáo viên, nhân viên cấp dưỡng luôn quan sát sự hứng thú của trẻ với các món ăn để kịp thời điều chỉnh. Bên cạnh đó, trong mỗi tiết học, cùng với các hoạt động giáo dục, giáo viên còn dạy cho trẻ những kỹ năng sống cần thiết.

Từ khi giáo dục mầm non triển khai chuyên đề Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm đến nay, việc trẻ “mê” đến trường đã trở thành mục tiêu và niềm tự hào không chỉ của Trường MN Hương Sen, mà là của các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Huê, Hiệu trưởng Trường MN Phước Nguyên (TP.Bà Rịa) chia sẻ, với phương châm lấy trẻ làm trung tâm, nhà trường đã xây dựng môi trường trong và ngoài lớp học cho trẻ được khám phá, trải nghiệm. Quan trọng hơn cả là khơi dậy được sự nhiệt tình, sáng tạo của giáo viên, sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội để trẻ có cơ hội được khám phá, học tập, vui chơi.

Hiện nay, tỷ lệ trẻ mầm non ra lớp của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cao hơn so với tỷ lệ chung của cả nước (nhà trẻ cao hơn 1,85%, mẫu giáo cao hơn 1,35%).
(Bà Hà Thị Thanh Thuận, Trưởng Phòng Giáo dục MN-TH, Sở GD-ĐT)

Đổi thay “dữ liệu” vật chất và tinh thần

Bà Hà Thị Thanh Thuận, Trưởng Phòng Giáo dục MN-TH (Sở GD-ĐT) cho biết, chuyên đề “Xây dựng môi trường chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm” được Bộ GD-ĐT phát động từ năm 2016 và hiện đang triển khai ở giai đoạn 5 năm lần thứ 2.

Trong suốt chặng đường 8 năm qua, chuyên đề đã tạo ra sự thay đổi rõ rệt đối với môi trường giáo dục của bậc học mầm non. Môi trường giáo dục tại các trường được cải thiện đáng kể, trở nên xanh, sạch, đẹp và an toàn.

Góc chơi ngoài sân được phân bổ rõ ràng. Tùy theo diện tích, 100% trường đều có sân đá bóng, để cho trẻ được tăng cường vận động, luyện tập thể thao. Bên cạnh đó, thiết bị nấu ăn tại các cơ sở giáo dục hiện đại, thức ăn được chế biến theo độ tuổi, đủ định lượng, màu sắc đẹp, thực đơn phong phú.

Không chỉ vậy, giáo viên các trường nắm chắc bộ tiêu chí, vận dụng phương pháp STEAM, phát triển chương trình âm nhạc đa văn hóa tổ chức hoạt động giáo dục nhẹ nhàng, gần gũi trẻ. Trẻ được tự do “học mà chơi” dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Qua đó tăng cường tính chủ động, tích cực, sáng tạo của trẻ.

Đặc biệt, tập thể sư phạm vui vẻ, nhiệt tình, tận tâm, cử chỉ, thái độ giao tiếp luôn mẫu mực với trẻ, với đồng nghiệp, với phụ huynh, tạo môi trường an toàn, ấm áp và thân thiện. Tuy không thể đong đếm nhưng có thể dễ dàng cảm nhận được trẻ vui khỏe, ngoan ngoãn, tự tin, thích đến trường.

Bà Thuận thông tin thêm, sắp tới, ngành sẽ tăng tốc trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ về chuyên môn, tạo điều kiện cho giáo viên tiếp cận phương pháp giáo dục hiện đại. Cùng với đó là tăng cường công tác chăm sóc trẻ theo kiến thức khoa học để thế hệ mai sau phát triển lành mạnh, an toàn.

Ngành cũng tiếp tục tham mưu UBND tỉnh trong việc hỗ trợ chi phí cho giáo viên mầm non trong và ngoài công lập, giúp đội ngũ giáo viên yên tâm gắn bó và cống hiến.

Đồng thời nỗ lực tạo “mặt bằng” giáo dục cần thiết để học sinh trong và ngoài công lập, học sinh ở trung tâm cũng như vùng sâu, vùng xa có được sự bình đẳng nhất định, để các em không còn tự ti, mặc cảm. Song song với đó là đẩy mạnh công tác truyền thông để nhận được sự đồng hành của toàn xã hội.

HOÀNG DƯƠNG

;
.