Tiêm vắc xin là biện pháp phòng dại hiệu quả

Chủ Nhật, 31/03/2024, 16:24 [GMT+7]
In bài này
.

Từ đầu năm đến nay, nhiều người dân bị chó cắn đã đến các điểm tiêm chủng để tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Đây là một việc làm hết sức cần thiết nhằm ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh dại và tử vong do vi rút này gây ra.

Nhân viên y tế của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiêm vắc xin phòng dại cho người bị chó cắn.
Nhân viên y tế của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiêm vắc xin phòng dại cho người bị chó cắn.

Tiêm phòng bệnh dại ngay sau khi bị cắn

Tối ngày 19/3, con trai 5 tuổi của chị Nguyễn Kim Xoàn (ở thôn Vinh Sơn, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) không may bị chó thả rông, vô chủ cắn vào tay khi đang chơi trước cửa nhà. Thấy vậy, chị liền rửa vết thương cho con bằng xà phòng và đưa con đến Bệnh viện Bà Rịa cấp cứu. Bác sĩ cũng hướng dẫn chị đưa con qua Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh để tiêm vắc xin phòng dại.

Đến nay, con của chị Xoàn đã tiêm đến mũi thứ 3. Do con chó chạy mất, gia đình chị không theo dõi được sức khỏe của chó nên con của chị phải tiêm thêm 2 mũi nữa mới đủ 5 mũi tiêm ngừa cơ bản. “Con bị chó cắn, tôi sợ lắm. Bởi huyện Châu Đức đã có ổ dịch. Thời tiết đang nắng nóng dễ bùng phát bệnh dại. Tôi đưa con đi tiêm vắc xin phòng dại cho yên tâm”, chị Xoàn nói.

Một trường hợp khác là bà Lê Thị Liên (52 tuổi, ở ấp Quảng Phú, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) cũng đến tiêm vắc xin phòng dại tại CDC tỉnh vào sáng 26/3. Bà bị chó nhà cắn vào tay và cào xước ở đùi trái gây chảy máu. Bà Liên cho biết, gia đình bà nuôi 2 con chó để canh giữ nhà cửa, nhưng cả 2 con chưa được tiêm vắc xin phòng dại. Vì vậy, bà tỏ ra lo ngại, nhất là khi biết thông tin trên địa bàn huyện Châu Đức đã có ổ dịch dại và nhiều trường hợp tử vong ở các tỉnh, thành phố trong cả nước do vi rút dại gây ra. “Vết thương do chó cắn sưng và chảy máu. Tôi xử lý vết thương ở nhà rồi nhanh chóng đi tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh dại”, bà Liên cho hay.

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có các điểm tiêm vắc xin phòng dại tại CDC tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở tiêm chủng dịch vụ tư nhân. 3 tháng đầu năm, toàn tỉnh có gần 6.000 người được tiêm vắc xin phòng dại, trong đó, người từ 25 tuổi trở lên chiếm hơn 69%.

Bệnh nguy hiểm nhưng phòng ngừa được

Theo bác sĩ, bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thần kinh trung ương, lây từ động vật sang người qua chất tiết, thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với vi rút dại qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại.

Ổ chứa vi rút dại thường có ở các loài động vật có vú như: chó, mèo, dơi, cáo… Thời gian ủ bệnh dại ở người từ 2 đến 8 tuần, có thể ngắn hơn khoảng 10 ngày, nhưng cũng có thể kéo dài trên 1 năm hoặc 2 năm.

Giai đoạn khởi phát, thường 2 đến 10 ngày, người bệnh có biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết thương nơi vi rút xâm nhập. Giai đoạn toàn phát thường biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như: sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ. Ngoài ra, còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như: giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp… Bệnh tiến triển theo 2 thể, gồm: thể liệt kiểu hướng lên và thể hung dữ chiếm 80%. Giai đoạn này thường kéo dài 2 đến 6 ngày, đôi khi lâu hơn và chết do liệt cơ hô hấp. Thể liệt thường sống lâu hơn thể hung dữ vài ngày.

Điều đặc biệt nguy hiểm của bệnh dại, khi đã lên cơn dại, cả động vật và người đều có tỷ lệ tử vong gần như 100%. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi bị bệnh, các cơ sở y tế chỉ thực hiện các biện pháp điều trị hỗ trợ như: cho thở máy, truyền dịch, vận mạch và chăm sóc giảm nhẹ như an thần, giảm đau, chống co giật… Tuy bệnh nguy hiểm, nhưng bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại.

Bác sĩ Phạm Thị Hiền, Phụ trách Phòng Tiêm dịch vụ (CDC tỉnh) cho biết, cần tiêm vắc xin dự phòng bệnh dại cho những người có nguy cơ cao phơi nhiễm với vi rút dại như cán bộ thú y, nhân viên phòng thí nghiệm làm việc với vi rút dại, người làm nghề giết mổ chó, người dân và những người đi du lịch đến các khu vực lưu hành bệnh dại. Những người làm công việc thường xuyên có nguy cơ tiếp xúc với vi rút dại cũng tiêm vắc xin nhắc lại theo định kỳ. Những người bị động vật cắn, cào, liếm, cần tiêm vắc xin càng sớm càng tốt sau khi bị phơi nhiễm với vi rút dại. Ngoài ra, tùy theo tình trạng tổn thương do động vật cắn, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm huyết thanh kháng dại.

“Khi bị động vật cắn, cào, người dân cần xử lý vết thương và phải đến cơ sở tiêm chủng để được tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Đồng thời, theo dõi sức khỏe của động vật trong vòng 10 ngày”, bác sĩ Phạm Thị Hiền nhấn mạnh.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

 
;
.