Thoái hoá khớp gối
Hỏi: Tôi 48 tuổi, gần đây đầu gối bên phải của tôi thỉnh thoảng bị đau dù không va đập hay té ngã. Những lúc ấy đứng lên ngồi xuống, đi lại hơi khó khăn. Xin bác sĩ cho biết đó là bệnh gì và chữa trị như thế nào. Cảm ơn bác sĩ.
(huyco…@gmail…)
Trả lời: Chào anh, qua những gì anh mô tả trong thư, có khả năng anh đã bị thoái hoá khớp gối. Đây là một trong những dạng viêm khớp phổ biến nhất, thường gặp ở người lớn tuổi mà nguyên nhân là lớp đệm (sụn) giữa các khớp bị mài mòn khiến xương đầu gối cọ vào xương ống chân (xương chày, xương mác) gây sưng, đau, đôi khi hình thành các gai xương ở đầu gối.
Nguyên nhân dẫn đến thoái hoá khớp gối bao gồm thừa cân, béo phì khiến áp lực tăng lên tất cả các khớp, đặc biệt là khớp đầu gối. Các nghiên cứu cho thấy nếu cơ thể mập thêm 0,45kg thì đầu gối sẽ phải chịu thêm từ 1,35 đến 1,8kg trong tư thế đứng. Về lâu dài, áp lực này sẽ khiến lớp sụn khớp gối bị mài mòn nhanh hơn.
Thoái hoá khớp gối còn có thể do di truyền, do công việc phải thường xuyên khuân vác nặng hoặc phải đứng trong thời gian dài, từ ngày này qua ngày khác, những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, cơ thể thừa chất sắt do rối loạn chuyển hoá. Bên cạnh đó, thường xuyên đá bóng, tennis…, cũng có nguy cơ thoái hoá khớp gối nếu chơi quá lâu, quá nhiều, không tuân theo những quy tắc về vận động khớp.
Thoái hóa khớp gối gồm 4 giai đoạn: Giai đoạn 1 thường chưa có dấu hiệu rõ ràng. Người bệnh không cảm thấy đau hoặc khó chịu. Giai đoạn 2, người bệnh đau nhẹ sau khi đi bộ từ 1 hoặc 2km trở lên, hoặc chạy hơn 500m. Nếu ngồi yên không cử động sau khoảng 1 tiếng, sẽ có cảm giác hơi cứng ở đầu gối lúc co chân vào. Nếu chụp X quang, có thể phát hiện dấu hiệu thoái hoá.
Giai đoạn 3: Sụn giữa các xương bị tổn thương rõ ràng, khoảng cách giữa các xương bắt đầu thu hẹp lại, đau khi đi bộ, chạy, cúi, quỳ, cứng khớp lúc thức dậy vào buổi sáng. Nếu phải làm việc trong tư thế đứng kéo dài hoặc đi lại liên tục, khớp gối sẽ sưng.
Giai đoạn 4: Người bệnh rất đau mỗi khi đi bộ, lên thang lầu hoặc co duỗi đầu gối. Lớp sụn trong khớp hầu như không còn nguyên vẹn, chất hoạt dịch cũng ít đi, khớp sưng đỏ, đau ngay cả khi không cử động.
Vì vậy, anh nên đến các cơ sở y tế có khoa Cơ xương khớp để thăm khám. Tại đó, bác sĩ sẽ tiến hành chụp X quang khớp hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) nếu thấy cần thiết nhằm đánh giá tổn thương của khớp. Tuỳ theo mức độ, bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị, chẳng hạn như uống thuốc kết hợp vật lý trị liệu, hoặc mổ nội soi, hoặc thay khớp.
Bs TRẦN VĂN PHƯƠNG