.

Thăng trầm nghề xích lô

Cập nhật: 17:17, 01/03/2024 (GMT+7)

Đã qua thời “vàng son” của nghề đạp xe xích lô bởi sự phát triển của nhiều phương tiện giao thông hiện đại. Nghề đạp xích lô hiện chỉ chủ yếu phục vụ khách đoàn các tour du lịch trải nghiệm, tham quan, nhưng số lượng không nhiều.

Ông Trương Văn An, 66 tuổi (86, Chu Mạnh Trinh, phường 8, TP.Vũng Tàu) rong ruổi đạp xích lô tìm khách trên đường phố Vũng Tàu.
Ông Trương Văn An, 66 tuổi (86, Chu Mạnh Trinh, phường 8, TP.Vũng Tàu) rong ruổi đạp xích lô tìm khách trên đường phố Vũng Tàu.

Buổi sáng mùa xuân, ông Nguyễn Thanh Liêm (205, Trương Công Định, phường 3, TP. Vũng Tàu) đạp chiếc xe xích lô đã cũ, bon bon rời nhà lúc 6h. Địa điểm đợi khách quen thuộc của ông là ở ngã tư Lê Quý Đôn - Lý Thường Kiệt (phường 1). Mòn mỏi đợi mãi không thấy khách, ông lại đạp xe rong ruổi ở các đường trung tâm thành phố như Lê Lợi, Nguyễn Du, Hạ Long… tìm khách. May thay, ngày ấy, có đoàn khách du lịch đến tham quan Vũng Tàu. Chỗ khách sạn quen nơi đoàn khách ở cần xe chở khách tham quan theo tour vòng quanh Bãi Trước, đã gọi cho ông. Đó là ngày may mắn của ông Liêm. Nhưng cũng có khi đến 4-5 ngày ông không có cuốc xe nào.

Ông Liêm thư thả kể về cuộc đời gắn với vòng quay của chiếc xe xích lô từ 40 năm trước. Ông nhớ như in niềm vui vào tháng 10/1986 vì mua được chiếc xe xích lô để bắt đầu một nghề mưu sinh mới, sau khi nghỉ nghề đi biển đã gắn bó trước đó. Thời đó đến những năm 90 là lúc “vàng son” của nghề đạp xe xích lô khi phương tiện giao thông hiện đại chưa phát triển. Xe ông ngày càng đông khách. “Có ngày, tôi kiếm được 250 ngàn - 300 ngàn đồng. Thời đó như vậy là thu nhập khá lắm rồi. Chiếc xe đơn sơ này đã “chở” cả cuộc sống gia đình tôi. Nhờ nó mà tôi nuôi được ba người con trưởng thành, đều tốt nghiệp Đại học và có công việc ổn định”, ông Liêm chia sẻ.

Những thập niên 80, 90 tại TP.Vũng Tàu, nghề đạp xe xích lô luôn đắt khách, cao điểm từng có hơn 1.000 xe xích lô. Tuy nhiên, hiện phương tiện giao thông phát triển nhiều với đủ loại xe ô tô cá nhân, xe buýt, xe taxi, xe điện, grab cùng nhiều ứng dụng đặt dịch vụ qua smartphone tiện ích và nhanh chóng … khiến thời của xe xích lô qua đi. Số người làm nghề đạp xích lô thưa dần. Hiện cả thành phố chỉ có khoảng gần 30 người làm nghề đạp xe xích lô. Hầu hết, họ đều đã cao tuổi, chủ yếu họ theo Nghiệp đoàn xích lô du lịch Kim Phụng để phục vụ khách du lịch theo tour nhưng cũng rất vắng khách. Dù vậy, nhiều người gần cả cuộc đời gắn bó với những vòng quay của bánh xe. Có những người đã làm nghề này hơn 40 năm. Những khi không có tour thuê, những người làm nghề xích lô tranh thủ đi làm các nghề tự do khác như phụ trông coi cửa hàng, phụ hồ...

Dáng người nhỏ nhắn, rắn rỏi, khỏe mạnh, ông Trương Văn An (66 tuổi, 86, Chu Mạnh Trinh, phường 8, TP.Vũng Tàu) đã gắn bó với nghề đạp xích lô 41 năm nay. Ngày ngày, ông đạp chiếc xe xích lô rong ruổi tìm khách ở các tuyến đường trung tâm thành phố. Lâu lâu, ông mới nhận được cuốc xe của những mối quen trong Nghiệp đoàn xích lô du lịch Kim Phụng. Ngoài ra, vào dịp Tết Nguyên đán, khi dịch vụ chụp hình với cảnh Tết nở rộ, nhiều người có thú vui check-in với xe xích lô nên chiếc xe của ông được nhiều người chọn làm bối cảnh. Nhiều khách hào phóng, đã trả cho ông 50 ngàn - 100 ngàn đồng sau khi chụp ảnh với xe xích lô.

Ở tuổi xế chiều, ông An sống thui thủi một mình. Vợ, con đã bỏ đi từ lâu. Vì thế, mỗi ngày, ông vẫn cố gắng gắn bó với chiếc xe xích lô để mưu sinh. Thương tình, một chủ cửa hàng bán đồ thờ cúng ở Chợ phường 1 thuê ông phụ giúp. Khi không có khách, ông lại phụ chủ cửa hàng dọn dẹp, trưng bày, trông coi hàng hóa. Nhờ vậy, ông cũng kiếm được chút đỉnh, gom góp trả tiền thuê nhà trọ và trang trải ăn uống đắp đổi qua ngày.

Còn ông Phạm Chính Long (68 tuổi, 72/2, Đồ Chiểu, phường 1) cũng gắn bó với nghề đạp xe xích lô 40 năm nay. Ông Long nhớ lại, thời xưa, Vũng Tàu ấn tượng với hình ảnh từng đoàn xe xích lô chở khách đi dạo phố. Những đoàn khách Hàn Quốc, Nhật Bản… rất thích thú dạo phố bằng loại xe này. Giờ xích lô vắng khách rất nhiều.  Dù vậy, ông Long vẫn yêu và gắn bó với nghề này. “Lâu lâu tôi mới có khách thuê chở đi dạo phố, thu nhập khoảng 150.000 đồng/ngày. Thậm chí, có nhiều ngày không có đồng nào. Tuy vậy, niềm vui là mỗi ngày tôi đều ra phố, chứng kiến sự “chuyển động” của phố biển Vũng Tàu. Ra đường ngắm cảnh phố phường cũng làm cho đầu óc mình thoải mái và tâm trạng vui hơn nhiều”, ông Long bày tỏ.

Ông Lâm Phục Quốc, 53 tuổi, (ấp Công Thành, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức) đến TP.Vũng Tàu làm nghề chạy xe xích lô 6 năm nay. Hàng ngày, ông đều đứng chờ khách trước khách sạn Sammy (đường Thùy Vân, Bãi Sau). Ông Quốc cho biết, ông làm nghề này tự do nhưng vẫn giữ mối liên kết với Nghiệp đoàn xích lô du lịch Kim Phụng để phục vụ khách đoàn khi cần. Theo ông, nhiều DN lữ hành từ TP.Hồ Chí Minh đưa khách đoàn xuống Vũng Tàu vẫn sử dụng hình ảnh chiếc xích lô vào tour tham quan thành phố biển. Bởi nhiều khách nước ngoài, đặc biệt là khách Hàn Quốc rất thích thú cảm giác thư thả dạo phố, ngắm cảnh bằng xe xích lô.

Hình ảnh những đoàn xe xích lô chở khách đã tạo nên nét độc đáo riêng cho thành phố. Nhờ vậy, nghề xe xích lô truyền thống vẫn còn được lưu giữ dù khá thưa khách.

Bài, ảnh: THI PHONG

.
.
.