Mặc cái nắng như đổ lửa, những người gác lửa rừng vẫn cần mẫn canh trực phòng cháy chữa cháy (PCCC) và tuần tra bảo vệ rừng. Nhờ đó, rừng trên địa bàn huyện Châu Đức nhiều năm liền không xảy ra cháy.
Ông Lê Tất Thắng (bên trái) thổi lá cây làm đường băng cản lửa. |
Gắn bó cả đời với rừng
Đầu tháng 3, cao điểm mùa khô, vùng Đông Nam Bộ nắng như đổ lửa. Mặt trời thiêu đốt khiến con đường nhựa dẫn tới rừng phòng hộ Xuân Sơn (huyện Châu Đức) nóng hầm hập. “Từ 9h - 16h hằng ngày, là cao điểm PCCC rừng, nên chúng tôi phải tuần tra, túc trực liên tục để gác lửa”, ông Lê Tất Thắng (trưởng thôn Xuân Trường, xã Sơn Bình) người gác lửa rừng phòng hộ Xuân Sơn nói. Dứt lời, ông Thắng xách máy thổi lá cùng các cán bộ kiểm lâm dẫn chúng tôi vào rừng tuần tra.
Hơn 2 tháng qua, địa phương không có mưa, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến dự báo cháy rừng luôn ở cấp cực kỳ nguy hiểm. Men theo đường mòn xuyên tán cây đi sâu vào rừng, mỗi bước chân chúng tôi đi qua kèm theo tiếng vỡ nát rồm rộp của lớp lá, cành cây khô. Tới vị trí làm đường băng cản lửa, ông Thắng khởi động máy thổi lá. Luồng gió mạnh cuốn lá cây, củi khô và bụi bốc lên mù mịt, những lớp lá khô được dồn thành hàng dài chỉ sau vài phút. Sau khi gom lá, ông Thắng châm lửa đốt chủ động để làm đường băng, ngăn cháy lan. Đợi đám cháy dập tắt hoàn toàn, mọi người mới rời đi.
Ông Thắng kể, những năm 1982, ông tham gia trồng rừng phòng hộ Xuân Sơn. Rồi cả gia đình sinh sống và làm rẫy, canh tác giáp bìa rừng. Đến năm 2009, Hạt Kiểm lâm Châu Đức-Bà Rịa ký hợp đồng công việc gác lửa rừng phòng hộ Xuân Sơn khu vực xã Xuân Sơn với ông Thắng. Mỗi năm, ông Thắng gác lửa rừng khoảng 5-6 tháng mùa khô với mức hỗ trợ khoảng 3,6 triệu đồng/tháng. Hằng ngày, ông Thắng phối hợp với các đơn vị liên quan đi tuần tra, ngăn chặn người dân xâm nhập vào rừng, chặt cây, đốt lửa… Cao điểm mùa khô, ông Thắng cùng với lực lượng chức năng đã tiếp đầy nước các hố chứa nước chữa cháy. Phát dọn thực bì, đốt chủ động và làm hàng chục km đường băng cản lửa dọc bìa rừng, nơi giáp với đất nông nghiệp.
Quanh rừng tiếp giáp với nhà dân và đất sản xuất, nên sinh hoạt của người dân dễ phát sinh cháy rừng. Ông Thắng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở người dân cẩn thận trong dùng lửa, không đốt lửa sát rừng gây cháy. “Tôi đi kiểm tra, nếu phát hiện lửa thì dập, lửa lớn thì báo về cho các đơn vị cấp trên hỗ trợ chữa cháy kịp thời. Suốt 15 năm, làm công việc gác lửa, mỗi khu vực, cây cối trong rừng tôi đều nhớ rõ. Niềm vui lớn nhất của tôi được sống cạnh rừng, hằng ngày bảo vệ rừng, cả đời gắn bó với rừng”.
Nhiều năm qua, rừng Di tích lịch sử Bàu Sen (xã Xà Bang, huyện Châu Đức) được bảo vệ nghiêm ngặt và không xảy ra cháy. Góp phần vào thành công này là nhờ công sức không nhỏ của những người gác lửa như ông Võ Văn Khánh (trưởng ấp Bàu Sen, xã Xà Bang).
Từ năm 2017, ông Khánh được ký hợp đồng làm nhiệm vụ gác lửa rừng Di tích lịch sử Bàu Sen. Khu rừng rộng khoảng 64 ha, chủ yếu là đầm lầy nên việc tuần tra, PCCC rừng cũng có đặc thù riêng. Không chỉ đi kiểm tra, gác lửa, ông Thắng còn kết hợp công tác thôn ấp với việc tuyên truyền vận động người dân bảo vệ rừng, không chặt cây, săn bắt động vật hoang dã… “Nhà tôi ở sát rừng, tôi làm trưởng ấp nên khi nhắc nhở và tuyên truyền bảo vệ rừng người dân cũng chấp nhận và tin nghe”, ông Khánh nói.
Chọn người uy tín ở địa phương
Ông Nguyễn Hữu Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Châu Đức-Bà Rịa cho biết, huyện Châu Đức có 4 xã có rừng, nên Hạt kiểm lâm chọn lựa ký hợp đồng gác lửa với 4 người dân địa phương. Chi phí cho những người gác lửa do UBND huyện Châu Đức hỗ trợ chi trả.
Theo ông Nguyễn Hữu Cường, tiêu chí quan trọng để chọn người gác lửa rừng là những cán bộ thôn, tổ dân cư địa phương. “Họ là những người có kinh nghiệm và uy tín ở địa phương. Ngoài cần mẫn, nhiệt tình với việc tuần tra PCCC, họ còn phát huy hiệu quả trong việc vận động, tuyên truyền, nhắc nhở người dân sống trong và ven rừng thực hiện tốt công tác PCCC, bảo vệ rừng và động vật hoang dã”, ông Cường nói.
Theo Hạt kiểm lâm Châu Đức-Bà Rịa, ngay từ đầu mùa khô, kiểm lâm đã họp các tổ gác lửa rừng, phân công và giao địa bàn cho từng người để thực hiện công tác PCCC rừng. Người gác lửa còn đi tuyên truyền và đề nghị người dân sống ven rừng ký cam kết thực hiện các biên pháp PCCC rừng. Phối hợp với lực lượng kiểm lâm, ban quản lý, đơn vị nhân khoán rừng… liên tục đi tuần tra để giữ rừng. “Những năm qua, người làm công tác gác lửa rừng hoạt động rất hiệu quả. Nhờ sự năng nổ, nhiệt huyết của những người gác lửa rừng mà nhiều năm qua huyện Châu Đức không xảy ra chặt cây, trộm gỗ và cháy rừng”, ông Nguyễn Hữu Cường nói.
Bài, ảnh: MẠNH QUÂN