.

Nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây bệnh dại

Cập nhật: 18:22, 20/03/2024 (GMT+7)
Từ đầu năm đến nay, bệnh dại diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chưa ghi nhận ca tử vong do bệnh dại. Tuy nhiên, tỉnh vẫn có nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây bùng phát bệnh dại.
Người dân bị chó cắn được nhân viên y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiêm vắc xin phòng dại.
Người dân bị chó cắn được nhân viên y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiêm vắc xin phòng dại.

Bất an khi gặp chó thả rông

Cách đây khoảng 3 tuần, 6 người dân ở huyện Châu Đức bị 1 con chó thả rông cắn. Con chó này có dấu hiệu nghi bệnh dại. Khi sự việc xảy ra, người dân báo chính quyền địa phương và Trạm Thú y Châu Đức, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Thú y vùng VI (TP.Hồ Chí Minh) để xét nghiệm. Kết quả cho thấy, con chó nói trên dương tính với vi rút dại. Những người dân bị chó cắn cũng đã được tiêm vắc xin phòng dại và đang được theo dõi sức khỏe.

Đây là một trong số rất nhiều trường hợp bị chó thả rông tấn công, gây nguy hiểm cho cộng đồng. Trong khi đó, tình trạng cho thả rông diễn ra nhiều tại các khu vực tập trung đông người như công viên. Dạo quanh một vòng công viên Bãi Trước, đường lên núi Vi Ba (TP.Vũng Tàu), dễ dàng bắt gặp nhiều chú chó được thả rông. Những con chó này kích thước và trọng lượng khá lớn, không được đeo rọ mõm,  khiến người dân cảm thấy bất an.

Vợ chồng chị N.T.O., (phường 1, TP.Vũng Tàu) thường cho 3 con nhỏ đến công viên Bãi Trước vui chơi vào buổi chiều. Khi thấy chó thả rông chạy gần tới sát khu vực gia đình đang ngồi, chị tỏ ra lo sợ, nhất là các con chị còn nhỏ và bệnh dại đang bùng phát tại nhiều địa phương trên cả nước. Do vậy, vợ chồng chị thường xuyên quan sát, không cho các con đến gần hay tiếp xúc với chó, tránh bị chó cắn. “Tôi nghĩ các ngành chức năng cần kiểm soát không cho chó hay mèo vào công viên. Người nuôi chó cần có trách nhiệm như phải đeo rọ mõm, có dây và dắt động vật khi đi ra ngoài để bảo đảm an toàn cho người dân”, chị O. kiến nghị.

Ở khu vực nông thôn, nhiều người dân nuôi chó với mục đích canh nhà cửa. Họ thường xuyên thả rông chó nhưng chưa có ý thức và thói quen tiêm vắc xin phòng dại cho vật nuôi. Không phải vì chi phí, hay không được tiếp cận các thông tin tiêm chủng phòng dại, mà chỉ vì người dân vẫn nghĩ rất đơn giản. “Tôi chỉ thả chó trong nhà và vườn. Chó không đi đâu xa, chỉ quanh quẩn trước nhà nên cũng không cần tiêm vắc xin phòng dại cho chó hàng năm”, ông N.T., ở huyện Long Điền nói.

Không chủ quan, lơ là trong phòng, chống bệnh dại
UBND tỉnh yêu cầu UBND cấp huyện chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân, người đứng đầu chính quyền các cấp còn chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh dại, nhất là ở những nơi xảy ra nhiều trường hợp tử vong vì bệnh dại; thôn, xã và nơi có tỷ lệ tiêm vắc xin dại cho tổng đàn chó đạt thấp dưới 10%.

 

Tăng cường các biện pháp phòng bệnh

Để thực hiện công tác phòng, chống bệnh dại, Sở Y tế đã đề ra các biện pháp dự phòng bệnh dại trên người như điều trị dự phòng trước phơi nhiễm và điều trị sau phơi nhiễm; xây dựng kế hoạch bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại cho người bị chó, mèo cắn và người có nguy cơ cao phơi nhiễm với bệnh dại.

Ngành y tế tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, thái độ và thay đổi hành vi cộng đồng trong phòng, chống bệnh dại; thông tin về tính chất nguy hiểm của bệnh và các biện pháp phòng chống dại ở người. Đồng thời, hướng dẫn người dân cách xử lý ban đầu khi bị chó, mèo nghi dại cắn, sự cần thiết của việc tiêm vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại, đặc biệt chú ý truyền thông về việc không chữa bệnh dại bằng các phương pháp dân gian chưa được Bộ Y tế công nhận.

Trước sự phức tạp của bệnh dại, UBND tỉnh cũng có công văn yêu cầu Sở Y tế chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết phục vụ cho công tác điều trị dự phòng cho những người bị phơi nhiễm bệnh dại.  Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và thú y hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dại trên động vật và công tác quản lý đàn chó, mèo; xây dựng kế hoạch và phương án chuẩn bị vắc xin, hóa chất để thực hiện tiêm phòng cho đàn chó, mèo; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng theo quy định.

UBND các phường, xã, thị trấn yêu cầu các chủ hộ nuôi chó, mèo và động vật khác có nguy cơ gây bệnh cam kết thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về nuôi,  nhất là việc khai báo, tiêm vắc xin và phòng, chống bệnh dại; không để chó, mèo thả rông. Khi đưa chó, mèo ra nơi công cộng, nơi đông người, khu dân cư, chung cư phải quản lý và thực hiện đầy đủ các biện pháp để bảo đảm an toàn cho người xung quanh, đặc biệt đối với chó phải được đeo rọ mõm, có dây xích và người dắt.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

 
.
.
.