Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng vừa cho biết, phương thức tuyển sinh ĐH được thực hiện theo Luật Giáo dục ĐH. Tuy nhiên, hiện nay cần thống nhất tăng cường công tác quản lý Nhà nước về các phương án tuyển sinh của giáo dục ĐH. “Chúng tôi mong muốn và khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH lấy kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển”, ông Thưởng bày tỏ quan điểm.
Ông Thưởng cũng nhấn mạnh, đề thi dành cho kỳ thi tốt nghiệp THPT nên các em đủ kiến thức nền tảng là có thể đạt điểm tốt nghiệp, đề thi không gây áp lực, không đánh đố. Nhưng để đạt điểm cao, muốn đủ điểm xét tuyển vào trường ĐH thì các em phải có tư duy phân tích, tổng hợp, phải sáng tạo; phải học thực chất. Đề thi sẽ hạn chế tối đa học lệch, học tủ, học mẹo, hướng tới học thật, thi thật, chất lượng thật.
Do đó, ông Thưởng khẳng định việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp đủ tin cậy và là một trong những phương thức quan trọng cho tuyển sinh ĐH. Phương thức này sẽ giảm áp lực, giảm tốn kém cho phụ huynh, HS, xã hội, cho chính các trường ĐH và bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục.
Theo thống kê của Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), tỷ lệ thí sinh sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH trong 4 năm qua dao động 40-50%. Như năm 2022, tỷ lệ thí sinh xét tuyển ĐH bằng điểm thi tốt nghiệp chiếm 48,59%; năm 2023, tỷ lệ này là 41,44%. Đặc biệt, khối ngành sức khỏe và nhiều ngành khác với chuẩn đầu vào cao đều dùng điểm thi tốt nghiệp THPT.
HẢI BÌNH