Từng là hộ nghèo, cuộc sống của bà Nguyễn Thị Nga (50 tuổi, ấp Nhân Thuận, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc) thiếu thốn đủ bề. Song với ý chí quyết tâm cùng khát vọng đổi đời và chọn mô hình kinh tế hợp lý đã giúp gia đình bà vươn lên trở thành hộ có thu nhập khá trong vùng.
Bà Nguyễn Thị Nga chăm sóc đàn dê. |
Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, rộng rãi, đầy đủ tiện nghi, bà Nga không giấu được sự xúc động. Bởi, đây là thành quả sau bao nhiêu năm trời bà cật lực làm việc, dành dụm. Nhắc đến quá khứ, bà nghẹn ngào chia sẻ: “Ngày trước, tôi khổ lắm. Một mình phải gồng gánh nuôi 2 đứa con thơ dại”.
Bà lập gia đình năm 25 tuổi. 2 đứa con lần lượt chào đời mang lại niềm vui cho vợ chồng bà. Thời điểm đó, dù cuộc sống khó khăn nhưng chồng bà vẫn chịu khó làm ăn, có trách nhiệm với gia đình. Thế nhưng, niềm hạnh phúc ấy duy trì không được bao lâu đã đổ vỡ. Chồng bà bỏ đi để lại 2 đứa con nhỏ.
Nghĩ thương các con, không cam chịu đói nghèo, cùng với sự chăm chỉ, chịu khó lao động, bà bắt đầu mướn đất trồng mì, trồng mía kết hợp chăn nuôi heo để cải thiện thu nhập. Những công việc này cũng không cho kết quả như mong muốn, song bà vẫn không nản chí, tiếp tục tìm hướng phát triển kinh tế mới.
Năm 2014, bà được người thân hỗ trợ 10 con dê giống và vốn xây dựng chuồng trại, từng bước mang lại hiệu quả kinh tế. Sau đó, thông qua Hội LHPN xã Xuyên Mộc, bà vay gần 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua thêm dê, phát triển đàn.
Thời gian đầu khởi nghiệp, bà gặp không ít trở ngại do chưa có nhiều kinh nghiệm, hay kỹ thuật chăm sóc đàn dê. Tuy nhiên, với tính ham học hỏi, bà từng bước tiếp cận được các kiến thức về chăm sóc, bảo vệ đàn dê. Trong đó, bà nuôi dê theo tiêu chuẩn 3 sạch (ăn sạch, uống sạch, ở sạch). Nguồn thức ăn chủ yếu của dê chủ yếu là cỏ do bà tự trồng, cùng rơm, mía và cám gia súc. Mỗi tuần, bà đều phun thuốc khử trùng chuồng để phòng ngừa bệnh cho đàn dê.
“Các con đang đến tuổi đi học, không có vốn thuê nhân công nên việc nuôi dê do một mình tôi cáng đáng. Vất vả nhưng nghĩ cuộc sống 3 mẹ con trông chờ vào đàn dê nên tôi phải luôn cố gắng”, bà Nga trải lòng.
Có phương pháp chăn nuôi thích hợp nên đàn dê của bà ngày càng phát triển tốt và bán có lãi. Bà tiếp tục mạnh dạn vay vốn, mua thêm dê con mở rộng quy mô chăn nuôi, cơi nới hệ thống chuồng trại cũng như diện tích trồng cỏ lấy thức ăn cho đàn dê.
Đến nay, trang trại nuôi dê của bà hơn 1.000m2, có khoảng 400 con dê (dê giống và dê thịt). Bà cho xuất chuồng 2 lứa/năm, doanh thu từ 600-800 triệu đồng. Thu nhập từ đàn dê đã giúp bà có kinh tế vững vàng, cho 2 người con học đại học và xây dựng nhà cửa.
Bà Nguyễn Thị Nga là hội viên phụ nữ tiêu biểu về làm kinh tế gia đình ở địa phương. Làm mẹ đơn thân, nhưng bà rất chịu thương, chịu khó, có nghị lực vươn lên, nhất là tự tìm tòi và lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp và hiệu quả. Mẹ con bà Nga đã có cuộc sống khấm khá. Hội LHPN xã Xuyên Mộc cũng thường lấy tấm gương của bà để giới thiệu cho các hội viên phụ nữ khác học tập.
(Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc)
|
Ngoài nuôi dê, bà còn liên hệ với các gia đình ở xã Bông Trang, Hòa Hiệp, Hòa Hội… mượn đất bỏ hoang trồng thêm mì. Riêng năm 2023, bà đã trồng được 13ha mì. Sau khi thu hoạch đã mang về cho gia đình vài trăm triệu đồng.
Dần dần, trang trại nuôi dê của bà đã có chỗ đứng trên thị trường. Bà cũng động viên con trai vừa tốt nghiệp đại học về hỗ trợ cùng phát triển trang trại dê. Ngoài bán dê theo cách truyền thống cho các thương lái trong tỉnh, mẹ con bà còn sử dụng các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo, youtube… để vừa học tập kinh nghiệm chăn nuôi vừa quảng bá và bán hàng.
Vì vậy, nhiều thương lái ở các tỉnh như Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai đã tìm đến trang trại của bà để mua dê giống lẫn dê thịt. Nhờ đó, đầu ra của trang trại luôn ổn định và được giá.
“Khi còn trẻ tôi khổ cực nhiều. Một mình vất vả nuôi con và gầy dựng kinh tế gia đình. Có được cơ ngơi như hôm nay là tôi đã vượt qua chính mình. Các con ngoan ngoãn, khỏe mạnh nên tôi cũng không có mong ước nào hơn”, bà Nga nói thêm.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM