Đừng để con 'gánh' ước mơ của ba mẹ

Thứ Sáu, 08/03/2024, 16:33 [GMT+7]
In bài này
.

Kỳ vọng quá nhiều và mong muốn con trở thành “thần đồng”, một số phụ huynh đã vô tình tạo áp lực cho con trẻ.

Tổ chức những chuyến dã ngoại, tạo điều kiện cho học sinh tiếp xúc với thiên nhiên là cách để các em biết nuôi dưỡng ước mơ thay vì chỉ có những bài học trong sách vở.
Tổ chức những chuyến dã ngoại, tạo điều kiện cho học sinh tiếp xúc với thiên nhiên là cách để các em biết nuôi dưỡng ước mơ thay vì chỉ có những bài học trong sách vở.

Áp lực từ kỳ vọng của PH

Phan Hoàng Trung, học sinh lớp 9 ở TP.Vũng Tàu chia sẻ, từ hồi lên cấp 2, mẹ đã lên thời gian biểu cho em với lịch học dày đặc như một máy học. Từ thứ Hai đến Chủ nhật, ngày nào em cũng phải đi học thêm từ 2-3 ca.

Có hôm sáng đi học ở trường, rồi từ 13h30 đến 21h00 em phải học thêm 3 ca với các môn: Toán, Lý, Hóa và tiếng Anh. “Càng ngày em càng sợ việc học. Sợ nhất là trước mỗi kỳ thi, em phải học ngày học đêm, nếu chẳng may các môn chính chỉ đạt điểm 8, 9 mẹ sẽ không hài lòng. Mẹ luôn muốn em vào trường PTTH “top” đầu của tỉnh, sau đó vào trường Đại học Bách khoa… mà không muốn biết ước mơ, sở thích của em là gì. Em cảm thấy bản thân đang phải thực hiện giấc mơ mà trước kia ba mẹ bỏ dở”, Trung tâm sự.

Em Nguyễn Đức Anh, học sinh một trường THPT cũng chịu nhiều áp lực từ việc học tập. Em luôn cảm thấy căng thẳng và không chắc chắn về bản thân. Các em muốn nhu cầu chơi và học tập cần phải được cân bằng một cách tự nhiên; có không gian để thư giãn, tận hưởng hoạt động giải trí và gặp gỡ bạn bè mà không phải lo lắng về áp lực học tập.

Là giáo viên môn toán và cũng từng nhiều năm đảm nhận công tác của giáo viên chủ nhiệm, cô Nguyễn Thị Khương, GV Trường THCS Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu cho rằng, các bậc phụ huynh cần hiểu rằng cuộc sống hiện đại đang tạo ra nhiều áp lực về tinh thần và vật chất. Các em cần có khoảng thời gian và không gian để thư giãn giải trí.

Phụ huynh không nên tạo ra những cuộc “chạy đua” theo thành tích, từ đó vô tình tạo áp lực cho con, khiến con có tâm lý học đối phó. Ngoài ba mẹ, các em hy vọng những người thầy cô không chỉ là những người giáo viên mà còn là người bạn, người người hỗ trợ và lắng nghe. “Học sinh là lứa tuổi dồi dào năng lượng, tâm hồn trong trẻo các em ấp ủ nhiều ước mơ. Nên rất cần sự thấu hiểu và chia sẻ từ cha mẹ và thầy cô giáo. Tiếp xúc với nhiều lứa tuổi học sinh, tôi nhận ra rằng các em không muốn sự áp đặt cứng nhắc khi tư tưởng các em chưa thông tỏ”, cô Khương cho biết thêm.

Hãy để trẻ được là chính mình

Chị Ngô Thơm (TP.Vũng Tàu), một phụ huynh cho rằng, cha mẹ không nên có tham vọng sẽ “làm thay” cho trẻ, hướng con cái theo điều ta mong muốn. Nên để cho con được sống cuộc sống mà các con muốn. “Ba mẹ muốn con làm kỹ sư làm gì trong khi nó chỉ có khả năng và thiên hướng trở thành một giáo viên dạy môn lịch sử. Tìm mọi cách để con trở thành người nọ, người kia mà không biết xem con mình giỏi và đam mê lĩnh vực nào. Đừng bắt con trở thành một người khác mà hãy khích lệ để con tự khám phá và trở thành chính mình”, chị Thơm chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Tâm (TP.Vũng Tàu) cũng có quan điểm khá thú vị về chuyện học tập của con. Đó là khi bài kiểm tra của con chỉ đạt điểm 6, 7 chị luôn tỏ ra hài lòng với kết quả của con. Sau mỗi lần đi học về, thay vì hỏi con nay được điểm mấy, chị sẽ hỏi “hôm nay con có vui không?”. Khi con khoe đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, chị đã chúc mừng con. “Tôi chỉ muốn con được vui vẻ, không phải chịu quá nhiều áp lực mỗi khi đến trường. Như vậy, con mới đạt được kết quả tốt nhất”, bà Tâm nói.

Chia sẻ về vấn đề này, nhiều người cho rằng cũng cho rằng, để các em được sống trong môi trường vui chơi, học tập tích cực cần sự phối hợp giữa nhà trường, thầy cô và phụ huynh. Có thể tổ chức những sân chơi bổ ích giúp trẻ vừa học vừa chơi; hay các chuyến tham quan, dã ngoại tạo điều kiện cho trẻ khám phá thiên nhiên. Những điều này giúp trẻ vừa rèn luyện kỹ năng mềm vừa nâng cao chỉ số EQ (cảm xúc).

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.