.

Cần làm gì khi trẻ nói ngọng

Cập nhật: 17:50, 15/03/2024 (GMT+7)

Nói ngọng là hiện tượng thường gặp ở trẻ em, nó xuất hiện ngay khi trẻ bắt đầu biết nói và phần lớn đều có thể khắc phục nếu các bậc cha mẹ hiểu biết về nói ngọng đồng thời chữa trị cho trẻ đúng phương pháp.

Dính dây thắng lưỡi là một trong những nguyên nhân nói ngọng.
Dính dây thắng lưỡi là một trong những nguyên nhân nói ngọng.

Nguyên nhân dẫn đến nói ngọng

Đa số trẻ nói ngọng không viết sai chính tả. Tuy nhiên cũng có trường hợp trẻ vừa nói ngọng vừa viết sai, chẳng hạn như “trời nắng” trẻ nói và viết thành “chời lắng”.

Do bẩm sinh: Lúc còn nhỏ, cấu tạo của các bộ phận như lưỡi, lưỡi gà, hàm, môi, răng..., phát triển chưa hoàn thiện. Vì vậy khi tập nói, trẻ dễ bị nói ngọng nhưng thông thường khi lớn lên, biểu hiện này sẽ hết. Tuy nhiên nếu trẻ đã trên 3 tuổi mà vẫn nói ngọng thì nguyên nhân có thể là một số cấu tạo của đường phát âm bị dị dạng như lưỡi ngắn, đầy lưỡi, dính dây thắng lưỡi, tổn thương miệng hoặc sứt môi, hở hàm ếch, hoặc cấu tạo thính giác bất thường khiến trẻ nghe kém, nghe không rõ, dẫn đến thiếu từ ngữ hoặc nghe không đúng nên khi phát âm, trẻ nói ngọng.

Thường xuyên ngậm núm vú giả khi đã hơn 1 tuổi cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nói ngọng bởi lẽ khi ngậm núm vú giả, lưỡi bị lè ra ngoài nên khi nói, lưỡi trẻ cũng đưa ra ngoài khiến tiếng nói bị lệch âm. Bên cạnh đó, thói quen phát âm theo vùng miền cũng ảnh hưởng đến việc trẻ nói ngọng, thí dụ như trong gia đình, khi bảo trẻ uống nước mà cha mẹ, anh chị nói: “uống lước đi” thì lâu dài, trẻ sẽ nói theo y như vậy. Đến tuổi học mầm non, nếu trẻ chơi chung với nhóm có đứa nói ngọng thì trẻ cũng dễ bị nói ngọng, chẳng hạn như nhóm trẻ 3 đứa nhưng có 1 đứa gọi “cái cây” là “ái ây” thì trẻ dễ bắt chước.

Một nguyên nhân nữa cũng không kém phần quan trọng là khi dạy học cho trẻ và khi trẻ phát âm sai một chữ cái hay một từ nào đó, thí dụ trẻ phát âm chữ “dờ - d” thành chữ “rờ-r” hoặc chữ “r” thành “gờ-g”, “cái rổ thành cái gổ” thì thay vì nhẹ nhàng giải thích và hướng dẫn trẻ phát âm cho đúng, cha mẹ, anh chị hoặc giáo viên lại quát tháo, la rầy khiến trẻ sợ hãi, hoảng hốt, dẫn đến tình trạng nói ngọng càng nặng nề hơn bởi lẽ ngôn ngữ của trẻ hình thành dựa trên những tác động trực tiếp vào thính giác rồi trở thành phản xạ có điều kiện khi trẻ phát âm. Sự sợ hãi, hoảng hốt dẫn đến ngôn rối loạn ngữ.

Chữa trị nói ngọng

Trẻ trong độ tuổi từ 2 đến 3 tuổi nói ngọng là điều bình thường nhưng nếu đến 4 tuổi mà trẻ vẫn nói ngọng thì bậc cha mẹ nên tìm hiểu bằng cách đưa trẻ đi khám để xem có gì bất thường ở tai, miệng, lưỡi, thanh quản… Nếu có, bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp điều trị tuỳ theo từng trường hợp, chẳng hạn như phẫu thuật chỉnh hình nếu sứt môi, hở hàm ếch. Nếu tất cả những bộ phận nói trên đều bình thường, trẻ sẽ được cho tập những bài tập trị liệu ngôn ngữ phù hợp với từng độ tuổi, giúp trẻ thay đổi cách phát âm, cách sử dụng lưỡi để nói cho rõ và chính xác từ ngữ.

Trong gia đình, nếu có người nói ngọng do đặc tính vùng miền thì nên cố gắng loại bỏ những từ nói ngọng, hạn chế tối đa việc nói ngọng trước mặt trẻ. Nếu trẻ nói ngọng do ảnh hưởng môi trường bên ngoài như lớp học, bè bạn trong xóm thì không chế diễu hoặc chọc ghẹo bằng cách nhại lại câu nói ngọng. Khi nói chuyện với trẻ, nếu từ nào trẻ nói ngọng thì hãy lặp lại từ đó theo cách nói đúng với nhiều ngữ cảnh khác nhau để trẻ nghe tự nhiên chứ không bắt buộc trẻ phải lập lại.

Lưu ý rằng trẻ 2 tuổi thường nói ngọng các chữ cái “d, r, l, n, g, c”. Trẻ từ 3 đến 4 tuổi thường nói ngọng các chữ “ch, t, đ, v, ph, nh, ng, x” và trẻ 5 đến 6 tuổi cũng thường nói ngọng các chữ “kh, s, th, tr”. Nếu không kịp thời điều chỉnh thì khi lớn lên, việc sửa đổi nói ngọng sẽ càng khó hơn, dẫn đến trẻ ngại ngùng khi giao tiếp, dễ tự ti, chán nản vì phát âm không giống ai, ngày càng lúng túng, bối rối khi phải bày tỏ quan điểm với người khác, đặc biệt là với người lạ. Ngoài ra nói ngọng còn ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ, đặc biệt là kỹ năng đọc - viết, kể cả với tiếng Việt lẫn tiếng nước ngoài…

Bs CKI LÊ DUY
(Bệnh viện Tâm Trí, TP.HCM)

 

.
.
.