Những bệnh thường gặp sau Tết

Thứ Sáu, 23/02/2024, 17:08 [GMT+7]
In bài này
.

Trong dịp Tết, chúng ta sử dụng lượng thức ăn nhiều hơn bình thường với nhiều chất đạm, chất béo, chất đường, tinh bột, chưa kể bia, rượu. Vì thế, những ngày sau Tết, nhiều người mắc bệnh về đường tiêu hóa do không kiểm soát việc ăn uống mà cụ thể là tổn thương dạ dày, thực quản, tuyến tụy, gan, mật, hậu môn, trực tràng…, chưa kể đến ngộ độc thực phẩm…

Đầy hơi, chướng bụng, ợ chua: Là hiện tượng hay gặp trong và sau Tết, có nguyên nhân từ việc ăn uống không kiểm soát, đặc biệt là quá nhiều chất béo (lipid), chất đạm (protein), chất đường (glucid) một số gia vị cay, nóng cộng với rượu bia khiến hệ tiêu hóa quá tải.

Nếu ăn quá nhiều các món ăn giàu chất béo (thịt kho tàu, thịt đông, gan, óc, tuỷ, giò thủ, bơ, trứng, đồ chiên, xào…) và ăn liên tục trong những ngày Tết sẽ khiến chức năng tiêu hoá suy giảm, biểu hiện bằng triệu chứng căng tức hoặc ấm ách ở vùng bụng kèm theo ợ hơi, ợ chua. Nếu không kịp thời điều chỉnh chế độ ăn uống, có thể sẽ dẫn đến bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản hoặc bỏng thực quản do axit dạ dày, viêm, loét dạ dày…

Ngộ độc thực phẩm, dị ứng: Nhiều thực phẩm dùng ăn Tết nếu để quá lâu, bảo quản, chế biến không đúng cách khiến cho thực phẩm bị nhiễm nấm mốc, vi khuẩn, gây ra tình trạng ngộ độc. Thực phẩm có tẩm ướp hóa chất độc hại về chế biến món ăn, cũng dễ gây ra ngộ độc. Triệu chứng ngộ độc thực phẩm bao gồm buồn nôn, nôn, đau thắt ở bụng, tiêu chảy liên tục, trong phân có thể có lẫn máu, ớn lạnh hoặc sốt. Tuỳ theo tác nhân gây ngộ độc, những triệu chứng nêu trên thường xuất hiện vài giờ sau khi ăn hoặc đôi khi là hơn nửa ngày. Riêng những trường hợp ngộ độc cấp tính, các triệu chứng xảy ra chỉ khoảng 15 phút hoặc nửa giờ sau khi ăn.

Với dạng ngộ độc do thức ăn có hoá chất, các triệu chứng thường phức tạp hơn, xuất hiện ở cả hệ tiêu hoá, thần kinh lẫn tim mạch với các triệu chứng nhìn thấy lờ mờ, nhìn 1 hoá 2, nói khó, nói ngọng, nói lắp bắp, tê liệt cơ, co giật, đau đầu, chóng mặt, tụt huyết áp, loạn nhịp tim, khó thở.

Với dị ứng thức ăn, đây là hiện tượng cơ thể không tiếp nhận với loại thức ăn mà ta ăn vào. Tùy theo cơ địa từng người, dị ứng có thể xảy ra sau khi ăn cá ngừ, đâu phộng (lạc), trứng, các chế phẩm từ sữa…, thậm chí có người dị ứng với thịt bò, thịt trâu hoặc các loại mắm. Biểu hiện của dị ứng thức ăn là ngứa, da nổi từng mảng đỏ, khó thở, thậm chí là suy hô hấp.

Táo bón: Là hiện tượng nhu động ruột giảm tần suất hoạt động khiến phân từ trực tràng khó đi qua hậu môn ra ngoài. Nó xảy ra khi những bữa ăn ngày Tết, ta ăn quá nhiều chất béo, chất đạm, tinh bột nhưng lại thiếu chất xơ (rau, củ, quả) và ít vận động. Táo bón nếu kéo dài sẽ dẫn đến trĩ vì trong quá trình rặn, các búi tĩnh mạch ở trực tràng sẽ bị đấy ra ngoài. Lâu dài dẫn đến chảy máu mỗi lần đi cầu do vỡ tĩnh mạch và có thể là rò hậu môn (mạch lươn).

Viêm tụy, gan cấp: Là tình trạng tuyến tụy bị viêm sưng đột ngột, xảy ra sau những bữa ăn thịnh soạn ngày Tết hoặc những người lạm dụng rượu bia, đang bị táo bón, mỡ máu tăng cao, nhiễm trùng đường tiêu hoá, túi mật có sỏi. Đây là bệnh có tỉ lệ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời. Biểu hiện của bệnh bắt đầu bằng đau bụng trên, sau đó lan ra sau lưng, sốt, nôn mửa, chướng bụng. Các triệu chứng này diễn ra rất nhanh và có thể gây suy thận.

Ngoài ra, ăn uống không kiểm soát trong những ngày Tết còn có thể gây viêm gan cấp, nhất là với những người nhậu nhẹt lu bù mà tiền sử đã nhiễm viêm gan siêu vi B, C. Do triệu chứng của viêm gan cấp khá mơ hồ, người bệnh chỉ thấy mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, vàng da hoặc vàng mắt nên dễ dẫn đến hiểu lầm rằng “do nhậu nhiều quá chứ có gì đâu! Nghỉ nhậu vài bữa là hết”. Bên cạnh đó, ăn uống không kiểm soát trong những ngày Tết cũng là nguyên nhân của gan nhiễm mỡ, suy gan.

Bs CAO HỮU TRÍ (BV Nguyễn Tri Phương TP.HCM)

 
;
.