.

Nét đẹp xin chữ đầu Xuân

Cập nhật: 16:03, 10/02/2024 (GMT+7)

Đi lễ chùa và xin chữ đầu năm là nét đẹp văn hóa đã được lưu giữ qua bao đời nay mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Đã thành thông lệ, cứ sáng mùng 1 Tết hàng năm, gia đình anh Nguyễn Văn Vinh (TP.Vũng Tàu) đều có mặt ở Chùa Hải Vân (phường 2, TP.Vũng Tàu) để thắp hương cầu bình an và xin chữ đầu năm.

“Mỗi chữ được xin là tiêu chí để thành viên trong gia đình chúng tôi rèn luyện, cố gắng thực hiện trong năm. Ngoài xin cho gia đình chữ “An”, tôi còn xin thêm chữ “Trí” cho các cháu cố gắng học tập và đạt kết quả tốt”, anh Vinh bày tỏ. 

Sư cô Huệ Trí, trụ trì chùa Hải Vân cho chữ ngày mùng 1 Tết Giáp Thìn đến khách hành hương.
Sư cô Huệ Trí, Trụ trì Chùa Hải Vân cho chữ ngày mùng 1 Tết Giáp Thìn đến khách hành hương.

Cũng là người đến xin chữ ngày đầu năm, bà Lê Thị Hợp (TP.Vũng Tàu) bày tỏ: “Đầu Xuân năm mới, tôi đều đi xin chữ. Tôi thường xin chữ "Phúc" với mong muốn cầu cho gia đình bình an, hạnh phúc. Đây không những là nét đẹp văn hóa của dân tộc mà còn an ủi, động viên mọi người vững tin hơn trong cuộc sống”.

Sư cô Huệ Trí, Trụ trì Chùa Hải Vân chia sẻ: “Chính người mang tặng chữ muốn gửi gắm đến người hành hương, khách thập phương luôn được thành tựu, ước vọng trong cuộc sống. Năm nay, chùa cho chữ vào khung giờ từ 8-10 giờ các ngày mùng 1-3 Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, khách xin chữ khá đông nên thời gian cho chữ được “lì xì” thêm cho khách hành hương như ý".

Tết năm nay, ông đồ Nguyễn Quang Thi (xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) bày chiếu mực tàu giấy tặng chữ cho mọi người tại Chùa Quảng Liên (huyện Châu Đức). Người đi lễ chùa đều nán lại chờ ông đồ cho chữ với cầu mong nhận được may mắn, vạn sự như ý, những điều tốt đẹp nhất cho người thân. 

Ông Nguyễn Quang Thi (xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) cho chữ ở chùa Quảng Liên (huyện Châu Đức) dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Ông Nguyễn Quang Thi (xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) cho chữ ở Chùa Quảng Liên (huyện Châu Đức) dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Ông đồ Nguyễn Quang Thi cho hay, gần 20 năm nay, ông viết thư pháp để thỏa niềm đam mê. Nét đẹp văn hóa này vừa là thú chơi tao nhã vừa làm đẹp cho đời. Nhiều năm qua, cứ mỗi độ Xuân về, ông Thi lại chuẩn bị mực tàu, giấy đỏ ngồi viết thư pháp tặng chữ đến khách thập phương. 

Tại địa điểm Nhà Truyền thống Cách mạng (số 1 Bacu, phường 1, TP.Vũng Tàu), người đi du Xuân sau thời khắc giao thừa, xem bắn pháo hoa lại đến gian hàng thư pháp xin chữ.

Ông đồ Trần Thanh Hiền cho hay, xin chữ ngày Tết không đơn giản là vui vẻ, cầu tài, cầu phúc lộc, vạn sự an bình mà đó là điều thiêng liêng, một việc quan trọng của gia đình. Chữ xin cũng tùy theo nguyện vọng của từng người, trong năm mới người ta cầu mong điều gì nhất thì sẽ mong muốn được nhận chữ đó.

"Người cầu tài lộc thì xin chữ "Tài" chữ "Lộc", người cầu con cái xin chữ "Phúc", người cầu sức khỏe sống lâu xin chữ "Thọ"… Chữ xin được thể hiện lời chúc của người viết đối với người được nhận chữ”, ông Hiền chia sẻ.

Ông Trần Thanh Hiền vận áo the khăn xếp cho chữ người dân và du khách đến Vũng Tàu tại số 1 Bacu, phường 1, TP. Vũng Tàu.
Ông đồ Trần Thanh Hiền vận áo the khăn xếp cho chữ người dân và du khách đến Vũng Tàu tại số 1 Bacu, phường 1, TP.Vũng Tàu. Ảnh: BẢO KHÁNH.

Đối với người Việt, ngày Xuân là ngày khởi đầu của năm mới, của mọi sự mới. Vì thế, mỗi người đều mong muốn bản thân, gia đình có được những điều tốt đẹp, khởi sắc hơn.

Tục xin chữ - cho chữ, có lẽ bắt nguồn từ những người hiếu học, trân trọng con chữ đẹp nên ngày Xuân xin về, như xin một thứ phúc lộc may mắn, giỏi giang, trở thành phong tục tốt đẹp vẫn còn lưu giữ.  

Bài, ảnh: HOÀNG BÁCH

.
.
.