'Sống chung với rác' nguy cơ gây bệnh phổi nghiêm trọng
Theo báo cáo hàng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về những bệnh liên quan đến đường hô hấp, qua khảo sát 250.000 người sống cạnh những bãi rác khoảng 5km trở lại ở một số quốc gia cho thấy 1/3 trong số này đều này có những vấn đề về phổi mà nguyên nhân chính là do khí H2S (khí tạo ra do rác hữu cơ bị phân hủy dưới tác dụng của sức nóng tạo ra bởi ánh nắng mặt trời và một số loại vi khuẩn).
Những bãi rác lộ thiên là nguồn phát tán khí độc H2S. |
Khi tiếp xúc với H2S trong một thời gian dài nhưng ở dưới ngưỡng gây ra hiện tượng ngộ độc cấp tính, nó sẽ làm thay đổi quá trình phân chia tế bào phổi. Hâu quả là những tế bào mới được sinh ra sẽ mang những đặc tính khác với tế bào bình thường. Đó chính là mầm mống đầu tiên của ung thư phổi.
Ở một số quốc gia, giải pháp chính của việc xử lý rác là chôn lấp nhưng điều đó không ngăn cản khí H2S thoát ra, chưa kể xử lý bằng cách đốt mà hậu quả là người dân sống gần những lò đốt sẽ phải hít thở nhiều loại khí độc. Các nghiên cứu về những bệnh liên quan đến đường hô hấp chỉ ra rằng 34% những người sống cạnh các bãi rác có khả năng chết vì ung thư phổi, 30% chết vì viêm phổi mãn tính, 9% chết vì hen suyễn, chưa kể H2S còn có khả năng gây ra thai chết lưu với những phụ nữ mang thai từ tuần lễ đầu tiên đến tuần thứ 9.
Khi mổ tử thi thai nhi để giám định nguyên nhân tử vong, các nhu mô phổi trong phổi thai nhi đều bị xẹp, chứa đầy các phân tử H2S và điều này dẫn đến hiện tượng thai nhi không thể hấp thu oxy, được cung cấp từ máu của người mẹ thông qua nhau thai. Ngay cả khi nồng độ H2S trong không khí tăng lên một lượng nhỏ-chỉ 4microgram trên mỗi m3 thì nguy cơ thai chết lưu cũng tăng 4%.
Trong báo cáo, nhóm nghiên cứu viết: “Phụ nữ mang thai cần được giải thích cặn kẽ về tiềm năng gây nguy hiểm cho đứa con của mình nếu hàng ngày họ thường xuyên phải hít thở không khí gần những bãi rác. Khi đã sinh con, 11% trẻ có nguy cơ phải nhập viên vì các bệnh đường hô hấp, 13% vì các bệnh hen suyễn”.
BV Nguyễn Tri Phương, TP.Hồ Chí Minh, đã từng tiếp nhận và cấp cứu cho 2 công nhân trong tình trạng thập tử nhất sinh do hít phải khí H2S. Hai người này làm việc tại một công ty trong KCN quận Bình Tân, chuyên ngành thuộc da trâu bò, có sử dụng “đá thối” (đá sulfide) để tẩy rửa lông trên bề mặt da. Theo lời trình bày của nạn nhân, trong lúc đặt ống hút nước xử lý hồ chứa, do bất cẩn nên một người bị rơi xuống hồ và khi người kia xuống cứu thì cả hai đều hít phải khí độc.
Cũng tại nước ta, hiện vẫn còn tồn tại rất nhiều những bãi rác lộ thiên, nhất là ở những thành phố lớn, trong những khu dân cư, những xóm lao động. Khá nhiều người dựa vào những bãi rác để mưu sinh. Hầu hết đều không chú ý đến vấn đề bảo hộ như khẩu trang, găng tay, giày ủng… Dụng cụ làm việc của họ chỉ là cây chĩa, cái cào hoặc thanh gỗ để đào bới, tìm kiếm vỏ chai nhựa, bao bì giấy, vỏ lon bia, lon nước ngọt, túi nylon… bán cho các cơ sở thu mua phế liệu nên khả năng nhiễm độc H2S là rất lớn.
Khi nhiễm độc H2S, nạn nhân sẽ thấy xót cả ở hai mắt, chảy nước mắt, nước mũi, cuống họng nóng bỏng, ho sặc, tức ngực, ngột ngạt, chân tay vận động kém, người nôn nao, cồn cào, nói năng lảm nhảm, thở khó, da xanh tím, sau đó co giật rồi hôn mê. Trường hợp nhiễm độc cấp tính do hít phải một lượng H2S lớn, nạn nhân thường chết do suy hô hấp.
Với những trường hợp nhiễm độc mãn tính do thường xuyên hít phải H2S liều lượng thấp, thoạt đầu nạn nhân chỉ cảm thấy hơi khó chịu, cay mắt nhưng lâu dài sẽ xuất hiện những cơn ho, khó thở lúc nằm ngửa. Dần dà, hiện tượng ho, khó thở xảy ra thường xuyên hơn. Nếu viêm phổi, viêm phế quản phổi do H2S, nạn nhân sốt cao, tức ngực, ho và khạc ra nhiều đờm đục và nếu không được điều trị kịp thời, nạn nhân có thể tử vong vì tràn dịch, tràn khí màng phổi.
Vì thế, xử lý triệt để những bãi rác lộ thiên cũng như khuyến cáo người dân về mức độ nguy hiểm của những loại khí độc, nhất là H2S phát sinh từ rác để có biện pháp phòng tránh là việc rất cần thiết.
ThS, Bs CAO HỮU TRÍ
(BV Nguyễn Tri Phương, TP.HCM)