Loãng xương - Cách phòng tránh và điều trị

Thứ Sáu, 26/01/2024, 17:03 [GMT+7]
In bài này
.

Hỏi: Thưa bác sĩ, xin bác sĩ cho biết loãng xương là gì, tại sao bị loãng xương cùng cách phòng tránh và điều trị?

(dodung…@gmail…)

Trả lời: Loãng xương (hay còn gọi là xốp xương, giòn xương) là tình trạng xương liên tục mỏng dần, mật độ xương giảm khiến xương giòn hơn, dễ tổn thương và dễ gãy dù chỉ với chấn thương nhẹ.

Gãy xương là biến chứng nặng của loãng xương, có thể xảy ra ở bất kỳ xương nào nhưng thường gặp là gãy xương cột sống, xương đùi và xương cẳng tay, trong đó xương cột sống, xương đùi nếu gãy sẽ không thể tự lành và thường phải điều trị bằng phương pháp phẫu thuật, chi phí rất tốn kém. Người bị gãy 20% cổ xương đùi sẽ tử vong trong vòng 6 tháng đầu, 50% mất khả năng đi lại, 25% cần chăm sóc tại nhà.

Loãng xương không có triệu chứng rõ ràng, thường chỉ đến khi xuất hiện những hiện tượng như đau lưng cấp tính, còng lưng, chiều cao cơ thể tự nhiên giảm xuống, đi đứng lom khom, nhức mỏi dọc theo xương đùi, xương cánh tay, đau âm ỉ kéo dài tại các vùng xương chịu trọng lực của cơ thể như xương cột sống, thắt lưng, xương chậu, xương hông, xương đầu gối…, thì loãng xương đã ở mức độ nặng, kèm theo đó là đau dây thần kinh liên sườn, dây thần kinh đùi và thần kinh tọa.

Phần lớn các trường hợp loãng xương xảy ra ở người trên 60 tuổi, ít hoạt động thể lực, nghiện bia, rượu, thuốc lá, chế độ ăn thiếu canxi và vitamin D, thiếu hormone sinh dục do cắt bỏ buồng trứng, mãn kinh sớm, mắc một số bệnh nội tiết hoặc phải dùng một số loại thuốc corticoid (Dexamethasone, Prednisolone, Betamethasone), thuốc chống động kinh kéo dài, làm những công việc phải thường xuyên khuân vác những vật nặng.

Để chẩn đoán bệnh loãng xương, nhiều bệnh viện hiện đang áp dụng kỹ thuật đo mật độ xương hấp phụ tia X năng lượng kép. Đây là kỹ thuật đơn giản, nhanh gọn, cho kết quả chỉ khoảng 15 phút. Nam giới trên 65 tuổi, nữ giới trên 60 tuổi nên kiểm tra độ loãng xương mỗi năm 1 lần rồi tùy theo từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị, trong đó bao gồm chế độ ăn, các bài tập thể dục hoặc các loại thuốc điều trị chống loãng xương có tác dụng tăng tạo xương, giảm hủy xương.

Để phòng ngừa bệnh loãng xương, ngay từ khi đứa bé còn là bào thai, người mẹ cần có chế độ ăn đầy đủ chất canxi và vitamin D. Lúc đến tuổi vào nhà trẻ, mẫu giáo, trẻ cần được thăm khám nhằm phát hiện bệnh còi xương. Với người lớn, việc điều trị loãng xương có thể kéo dài từ 3 đến 5 năm. Nếu đã bị loãng xương, người bệnh cần lưu ý hạn chế ra ngoài một mình, không di chuyển trên nền đất trơn trượt, nhiều đá, sỏi, gập ghềnh, luôn giữ cho sàn nhà khô ráo, giảm nguy cơ té ngã, lắp thêm tay vịn ở cầu thang hay nhà tắm, thận trọng khi dùng những loại thuốc có tác dụng phụ gây hoa mắt, chóng mặt vì có thể ảnh hưởng tới chức năng thăng bằng, tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ…

Bs NGUYỄN THỊ PHƯƠNG MAI

;
.