Đột quỵ đang gia tăng ở người trẻ

Thứ Hai, 08/01/2024, 17:43 [GMT+7]
In bài này
.

Nếu như trước đây, các trường hợp đột quỵ thường xảy ra ở người trung niên và người già. Nhưng hiện nay, do lối sống thiếu lành mạnh, stress, mắc bệnh nền sớm, nhóm người dưới 45 tuổi vẫn có thể đột quy.

Bác sĩ Đinh Thị Thanh Tùng, Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Vũng Tàu) hướng dẫn bệnh nhân P.T.A. tập vật lý trị liệu để cải thiện chức năng vận động ở tay phải.
Bác sĩ Đinh Thị Thanh Tùng, Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Vũng Tàu) hướng dẫn bệnh nhân P.T.A. tập vật lý trị liệu để cải thiện chức năng vận động ở tay phải.

Đột quỵ ở tuổi 21

Anh nhân P.T.A., (21 tuổi, ở phường 11, TP.Vũng Tàu) bị sốt, đau đầu, chóng mắt, mệt mỏi nhưng anh nghĩ bị cảm thông thường nên không đi khám. Đến ngày thứ 2, những triệu chứng này không giảm, còn kèm theo méo miệng, khó nói chuyện, yếu tay phải thì người nhà mới đưa anh vào Bệnh viện Vũng Tàu. Sau khi khám lâm sàng, thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, chụp CT, chụp MRI não, bác sĩ chẩn đoán anh bị nhồi máu cấp nhân bèo - thùy đảo thái dương và một phần vỏ não thùy trán đỉnh trái. Do người bệnh vào viện trễ nên bác sĩ chỉ dùng những phương pháp dự phòng, làm giảm nguy cơ tái phát đột quỵ não lần sau; kết hợp hướng dẫn tập vật lý trị liệu. Theo người nhà bệnh nhân, thường ngày anh A. khỏe mạnh, ít ốm vặt, song anh lại là người nghiện hút thuốc lá lâu năm.

Cách đây hơn 2 tháng, bệnh nhân N.V.T., (42 tuổi, ở phường 7, TP.Vũng Tàu) bị đột quỵ não nặng, đe dọa tới tính mạng. Anh T. kể, ban đầu anh bị đau đầu, chóng mặt, người uể oải. Anh cho rằng, do áp lực trong công việc khiến anh bị như vậy. Thế nhưng, tình trạng này ngày càng nặng hơn, nhất là đau đầu dữ dội. Sau đó, anh không nói được nên người nhà đưa đến Bệnh viện Vũng Tàu cấp cứu. Chụp MRI cho thấy, anh bị tràn dịch mạch máu não. Khoảng 1 tháng điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (Bệnh viện Vũng Tàu), sức khỏe anh có cải thiện đáng kể và phục hồi dần sau đó. “Khi chưa đổ bệnh, tôi thường hay uống rượu, bia và hút thuốc lá. Tôi còn bị huyết áp cao nhưng lại chủ quan. Khi trải qua bạo bệnh, tôi nhận ra bao năm qua mình có lối sống thiếu lành mạnh”, anh T. nói.

Có thể dự phòng đột quỵ

Bác sĩ Bệnh viện Vũng Tàu cho biết, đột quỵ thường xảy ra ở người cao tuổi. Tuy nhiên, những năm gần đây, tỷ lệ người trẻ dưới 45 tuổi bị đột quỵ ngày càng tăng. Trong năm 2023, Bệnh viện Vũng Tàu tiếp nhận hơn 510 ca đột quỵ, trong đó có 42 ca dưới 45 tuổi.

Còn theo thống kê của Hội Đột quỵ Thế giới, năm 2022 có đến 16% người bị đột quỵ trong độ tuổi 15-49 tuổi (trên tổng số 12,2 triệu ca đột quỵ não mới). Ở Việt Nam, tỷ lệ người trẻ và trung niên bị đột quỵ chiếm đến 1/3 trong tổng số các trường hợp đột quỵ. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi cũng đang tăng ở mức 2% mỗi năm, số bệnh nhân nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.

Những dấu hiệu của đột quỵ
“Thời gian vàng” trong điều trị đột quỵ chỉ diễn ra 4-5 giờ đầu sau khi phát hiện bị bệnh. Vì vậy, việc nhận biết các triệu chứng của đột quỵ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Những người có bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, thừa cân béo phì hay đã từng bị đột quỵ nếu gặp các biểu hiện: Đột ngột yếu, tê hay liệt mặt, tay hoặc chân (đặc biệt ở một bên của cơ thể); không nói được hoặc khó khăn trong nói hay hiểu lời nói, nói khó; đột ngột mất thị lực, đặc biệt chỉ ở một mắt; nhức đầu dữ dội cần đi cấp cứu ngay tại tuyến bệnh viện có máy CT để được chụp hình não kịp thời.

Nguyên nhân chủ yếu gây ra đột quỵ ở người trẻ tuổi xuất phát từ chế độ nghỉ ngơi không bảo đảm, chế độ ăn uống không khoa học (ăn nhiều chất béo và đường), ít vận động khiến tuổi khởi phát bệnh của một số bệnh lý trẻ hóa. Ở người trẻ, việc hay dùng thuốc lá, bia, rượu, thuốc gây nghiện... đã làm cho đột quỵ đến sớm hơn. Mặt khác, các bệnh lý vốn là các yếu tố gia tăng nguy cơ đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu ngày càng trẻ hóa so với trước. Một nghiên cứu tại châu Âu trên 3.944 bệnh nhân đột quỵ là người trẻ cho thấy, 49% có nghiện hút thuốc lá, 46% có rối loạn mỡ máu, 36% có tăng huyết áp. Ngoài ra, với những người đã có sẵn bệnh lý tim mạch, stress có thể là yếu tố thúc đẩy gây ra các biến cố tim mạch nguy hiểm, như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, biến chứng vỡ mạch máu, các loạn nhịp tim nguy hiểm.

Bác sĩ Đinh Thị Thanh Tùng, Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Vũng Tàu) cho biết, để phòng ngừa đột quỵ, cần làm giảm các yếu tố nguy cơ bằng cách điều trị ổn định các bệnh lý cao huyết áp, béo phì, tiểu đường, bệnh tim mạch, bỏ hút thuốc lá, giảm stress...; ăn uống khoa học, tăng cường vận động thể lực. Việc đi khám sức khỏe định kỳ rất cần thiết, giúp phát hiện sớm những dấu hiệu đầu tiên của bệnh để có biện pháp chữa trị kịp thời và hiệu quả. “Một người đột quỵ có thể tái phát nhiều lần, tỷ lệ này cao hơn người bình thường 25%. Vì vậy, người đã bị đột quỵ cần loại bỏ hẳn những lối sống thiếu khoa học và lành mạnh“, bác sĩ Tùng khuyến cáo.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

;
.