Điểm tựa 'vẽ' lại cuộc đời

Thứ Hai, 15/01/2024, 18:08 [GMT+7]
In bài này
.

Quyết định 22 về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù đã mở rộng đường và là điểm tựa giúp những mảnh đời lầm lỗi làm lại cuộc đời.

Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, anh Nguyễn Văn Hùng (ngụ Châu Đức) đầu tư chăn nuôi dê để phát triển kinh tế.
Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, anh Nguyễn Văn Hùng (ngụ Châu Đức) đầu tư chăn nuôi dê để phát triển kinh tế.

Mở đường cho người lầm lỡ

Trong căn nhà vừa xây kịp đón Tết Giáp Thìn 2024, niềm vui đong đầy trên khuôn mặt bà Nguyễn Thị Hà (huyện Xuyên Mộc). Căn nhà mới là sự nỗ lực của cả gia đình trong đó có công lớn nhất là Quốc Hiếu - người con từng có thời gian lầm lỡ.

Bà Hà kể, 10 năm trước, khi ra tỉnh Thừa Thiên Huế dự đám cưới của người thân, Hiếu vô tình vi phạm pháp luật và chịu bản án 10 năm tù lúc mới 18 tuổi. Nhờ cải tạo tốt, Hiếu được nhà nước khoan hồng giảm án xuống còn 7 năm.

Hai năm trước, Hiếu mãn hạn tù trở về nhà cũng vào dịp gần Tết. Nhìn mẹ và 2 em sống chật vật trong túp lều nhỏ ven bờ suối, Hiếu tự nhủ phải quyết tâm làm lại cuộc đời, lo cho mẹ và 2 em. Vượt lên mặc cảm lầm lỗi, Hiếu lao vào làm việc kiếm tiền. Học được nhiều nghề trong thời gian chấp hành án nên Hiếu đi xin việc làm thêm ở các cơ sở xây dựng, trang trí nội thất.

Khi biết Ngân hàng CSXH có chương trình cho người mãn hạn tù vay vốn làm ăn, bà Hà đứng ra làm thủ tục vay vốn để Hiếu làm ăn, phát triển kinh tế. Được Ngân hàng CSXH giải ngân cho vay 100 triệu đồng, Hiếu đầu tư mua phân bón, cây giống trồng tiêu trên khu rẫy của gia đình. Ngoài ra, Hiếu còn đi đóng trần nhà, làm thêm nhiều việc để kiếm thêm thu nhập.

“Hơn 7 năm chấp hành án là thời gian dài khiến tôi mất rất nhiều thứ. Giờ tôi phải đua với thời gian làm việc kiếm tiền phụ mẹ chăm lo cho gia đình để cuộc sống tốt hơn”, Hiếu chia sẻ.

Cũng rơi vào vòng lao lý khi tuổi đời còn trẻ, cách đây 2 năm, anh Văn Hùng (huyện Châu Đức) mãn hạn tù trở về nhà khi ở tuổi 33. Những ngày đầu tái hòa nhập cộng đồng, tâm lý mặc cảm và cuộc sống khó khăn khiến Hùng không biết bắt đầu từ đâu. Nhờ tình thương yêu của cha mẹ, Hùng quyết tâm sửa sai, làm lại cuộc đời.

Giúp con làm ăn, bố mẹ Hùng gom góp tiền làm thuê bấy lâu nay rồi vào khu rẫy gần nhà, xây dựng nhà tạm để Hùng bắt đầu cuộc sống mới. Người cha 71 tuổi tới cơ quan các cấp hỏi về chương trình, thủ tục để vay vốn cho con làm ăn. Mới đây, anh Hùng được chính quyền địa phương phối hợp với Ngân hàng CSXH tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng.

Có vốn, Hùng làm chuồng trại chăn nuôi bò, dê, heo, gà... Những sào ruộng bỏ hoang trước đây cũng được sửa sang, đắp bờ để canh tác cấy lúa. “Tôi nuôi, trồng mỗi loài một ít. Khi giá cả lên xuống thất thường, vật nuôi, cây trồng có giá cao sẽ bù qua đắp lại nên vẫn duy trì được thu nhập”, Hùng chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Nhân (ba Hùng) nói: Nhìn con mình tu chí làm ăn, vợ chồng tôi rất sung sướng. Những khổ cực và buồn tủi bao năm qua của vợ chồng già vơi dần. Vợ chồng tôi mong con sớm cưới vợ, để có một mái ấm bình yên, vững bền.

Chính sách nhân văn

Ông Võ Văn Hoàng, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh cho biết, Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg cụ thể hóa chủ trương, chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước đối với người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng CSXH. Từ đó tạo việc làm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, góp phần phòng ngừa hạn chế tình trạng tái phạm, vi phạm pháp luật; bảo đảm an ninh trật tự, phát triển kinh tế xã hội.

“Quyết định 22 đã “tách bạch” và cụ thể đối tượng vay vốn. Đây là một chính sách nhân văn và tích cực, giúp mở lối cho đối tượng lầm lỗi tiếp cận được nguồn vốn vay, tự tạo việc làm, giúp họ “vẽ” lại cuộc đời tươi sáng hơn”, ông Võ Văn Hoàng nhìn nhận.

Trước đây không có chương trình cho vay chuyên biệt đối với người chấp hành xong án phạt tù. Ngân hàng CSXH áp dụng cho vay với thủ tục chung đối với chương trình hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 và Nghị định 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 (sửa đổi bổ sung Nghị định 61/2015/NĐ-CP). Ngày 17/8/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg (Quyết định 22), có hiệu lực từ 10/10/2023.

Theo đó, quy định đối với vay vốn để đào tạo nghề có mức cho vay tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người. Vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, mức cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người. Với cơ sở sản xuất kinh doanh, mức vốn cho vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

Để triển khai thực hiện chính sách nhân văn này, Ngân hàng CSXH tỉnh chủ động phối hợp với cơ quan liên quan, đặc biệt là Công an tỉnh, các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác, tập trung rà soát đối tượng có nhu cầu, bình xét cho vay, hoàn thiện hồ sơ để giải ngân kịp thời; tạo điều kiện tốt nhất cho những người chấp hành xong án phạt tù sớm ổn định cuộc sống, không tái phạm tội.

Đến nay, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã thực hiện cho vay vốn giải quyết việc làm với nguồn của Trung ương là 1.420 tỷ đồng/29.712 khách hàng vay. Vốn ngân sách của tỉnh 1.483 tỷ đồng/32.847 khách hàng vay. Triển khai Quyết định 22, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã giải ngân cho 15 khách hàng vay số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.

Nhằm bảo đảm nguồn vốn giải ngân theo Quyết định số 22, trong thời gian tới, Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh, Sở Tài chính và các địa phương thống kê, rà soát danh sách đối tượng có nhu cầu vay vốn. Từ đó đề nghị HĐND tỉnh bố trí vốn vay để người mãn hạn tù có công ăn việc làm ổn định, giúp họ phát triển kinh tế. Bảo đảm mục tiêu nâng cao cuộc sống của người dân mà tỉnh đề ra.

Bài, ảnh: BẠCH LONG

;
.