Những năm gần đây, điện thoại thông minh, máy tính bảng (gọi chung là smartphone) ngày càng phổ biến với mức giá phù hợp ngay cả với người ít tiền. Vì vậy, nhiều phụ huynh thường cho con mình sử dụng để không phải mất nhiều thời gian trông coi.
Không chú ý đến ăn uống là biểu hiện thường thấy ở trẻ nghiện smartphone. |
Cũng có những bậc phụ huynh cho con dùng smartphone để con có thể làm quen với công nghệ số nhưng lâu dài, trẻ tiếp cận smartphone mà không kiểm soát sẽ gây nhiều tác hại.
Một trong những vần đề đầu tiên mà smartphone ảnh hưởng đến trẻ là trẻ dễ bị nghiện. Khi đã nghiện, trẻ hầu như không chịu chơi với bất cứ món đồ chơi nào khác. Trẻ có thể dỗi hờn, khóc lóc, không vâng lời nếu không có smartphone trên tay. Cũng do nghiện smartphone, trẻ giảm khả năng giao tiếp, ít để ý đến những gì đang diễn ra xung quanh, kể cả trong gia đình, lớp học. Phần lớn sự tập trung của trẻ đều đặt vào những gì trẻ thấy trên màn hình.
Tác hại thứ 2 của smartphone với trẻ là chứng cận thị. Do màn hình nhỏ, trẻ phải nhìn gần, nhất là với những chuyển động nhanh. Nếu trẻ xem smartphone vào ban đêm trong điều kiện tắt đèn thì chứng cận thị lại càng đến sớm hơn, bởi lẽ tỉ lệ hấp thu bức xạ phát ra từ màn hình của trẻ từ 3 đến 5 tuổi nhiều gấp đôi so với người trưởng thành, chưa kể não bộ của trẻ chứa nhiều dịch hơn người lớn, xương hộp sọ cũng mỏng hơn khiến não dễ bị tổn thương. Ngoài ra bức xạ từ smartphone cũng có khả năng gây mất ngủ, bởi nó ức chế sản xuất melatonin- chất gây ra sự buồn ngủ.
Ngoài cận thị, trẻ nghiện smartphone còn có nguy cơ bị lác (lé) mắt. Các nghiên cứu cho thấy có sự liên quan rất rõ rệt về chứng lác mắt ở trẻ thường xuyên sử dụng smartphone từ 6 đến 8 tiếng mỗi ngày và khi dùng, trẻ để điện thoại quá gần mắt. Khi ấy, mắt phải tập trung tối đa vào những chuyển động trên màn hình, dẫn đến các cơ điều khiển vận động của nhãn cầu (gọi là cơ vận mắt) cũng phải hoạt động gấp 4 lần bình thường. Ở trẻ không sử dụng smartphone, trung bình khoảng 5 giây có 1 lần chớp mắt thì với trẻ chơi game, con số này là 20 giây! Bức xạ phát ra từ màn hình cộng với thời gian giữa hai lần chớp mắt quá dài dẫn đến hiện tượng lác mắt.
Tác hại thứ 3 là chứng biếng ăn. Khi say sưa với smartphone, trẻ hầu như quên cơn đói. Nếu bị buộc phải ăn, trẻ nhai rất hờ hững, thậm chí là nuốt chứ không nhai. Hậu quả là dạ dày trẻ phải co bóp nhiều hơn để tiêu hóa thức ăn, dễ dẫn đến nôn mửa, thể trạng trẻ ngày càng gầy ốm. Ngược lại với tình trạng biếng ăn, nhiều trẻ khi xem smartphone lại thích ăn vặt, chẳng hạn như bánh snack, khoai tây chiên, bắp rang, kẹo… Điều đó dẫn đến việc trẻ bỏ bữa ăn chính hoặc ăn không đúng giờ. Và vì cứ ngồi một chỗ, năng lượng nạp vào cơ thể không tiêu thụ hết nên một số trẻ nghiện smartphone bị thừa cân, béo phì.
Tác hại thứ 4, nhiều trẻ do quá say sưa với các trò chơi trên smartphone nên khi mắc đi vệ sinh thì trẻ cố nín, dẫn đến hiện tượng tiểu không tự chủ hoặc táo bón vì phân trong ruột già bị tái hấp thu nước khiến nó khô cứng. Nếu tình trạng này kéo dài từ ngày này sang ngày khác, phản xạ bài tiết của trẻ giảm.
Tác hại thứ 5, trẻ tiếp xúc với smartphone liên tục trong thời gian dài sẽ làm tăng yếu tố gây ra chứng trầm cảm, rối loạn thiếu tập trung và thậm chí là rối loạn tâm thần. Biểu hiện thường thấy của trẻ khi ấy là chỉ năng động khi có smartphone trên tay. Nếu bị cấm sử dụng, trẻ trở nên cau có, ít nói hoặc không nói, có khuynh hướng thu mình vào những chỗ khuất, phản kháng nếu bị sai bảo làm việc này, việc kia…
Để phòng tránh những tác hại của việc sử dụng smartphone ở trẻ, các bậc phụ huynh cần chú ý những điểm sau: Chỉ nên cho trẻ từ 6 tuổi trở lên sử dụng smartphone nhưng bắt đầu bằng những trò chơi đơn giản như ráp vần, các bài toán cộng, trừ, nhân chia nhằm tập cho trẻ tư duy phân tích. Mỗi khi dùng, để smartphone cánh xa mắt trẻ 30cm và mỗi lần chơi, giới hạn trong 30 phút.
Còn với trẻ từ 3 đến 5 tuổi, nên cho trẻ chơi những trò chơi chẳng hạn như như lắp ráp các khối nhựa lego, ráp hình bằng những mảnh bìa giấy, tập vẽ, tập tô màu hoặc các hoạt động mang tính cộng đồng. Bên cạnh đó, với những bậc cha mẹ “nghiện” mạng xã hội, nên hạn chế dùng smartphone trước mặt trẻ để trẻ không bắt chước. Lưu ý rằng mọi hành vi của trẻ hình thành và phát triển từ thói quen nên nếu smartphone trở thành thói quen của trẻ thì việc buộc trẻ phải từ bỏ hoặc giảm bớt thời gian sử dụng sẽ là việc không hề dễ dàng.
Bs CKI LÊ DUY