Y tế học đường

Băn khoăn vị trí việc làm

Chủ Nhật, 03/12/2023, 21:09 [GMT+7]
In bài này
.

Báo Bà Rịa-Vũng Tàu vừa nhận được “tâm thư” của hàng trăm nhân viên y tế trường học trên địa bàn tỉnh, bày tỏ sự hoang mang, lo lắng khi không biết “đi đâu về đâu” sau khi các thông tư về vị trí việc làm có hiệu lực.

Hiện nay, ngoài việc chăm sóc sức khoẻ HS, phòng chống dịch bệnh, tai nạn thương tích trong trường học, nhân viên y tế học đường đang phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác như văn thư, thủ quỹ,…
Hiện nay, ngoài việc chăm sóc sức khoẻ HS, phòng chống dịch bệnh, tai nạn thương tích trong trường học, nhân viên y tế học đường đang phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác như văn thư, thủ quỹ,…

Viên chức y tế trường học sẽ đi về đâu?

“Tâm thư” của hàng trăm nhân viên y tế trường học trên địa bàn tỉnh viết: “Trong lúc cán bộ, công chức, viên chức trên cả nước đang hân hoan đón chờ chính sách cải cách tiền lương mới thì chúng tôi hoang mang, lo lắng với những quy định về vị trí việc làm của nhân viên y tế trường học”.

Theo đó, ngày 30/12/2022 Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 12/2022/TT-BNV Hướng dẫn về vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung, hỗ trợ, phục vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, nhân viên y tế trường học thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ và được chế độ hợp đồng như đối với nhân viên bảo vệ, tạp vụ.

Ngày 30/10 mới đây, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục MN công lập và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập. Trong đó, y tế học đường không thuộc nhóm vị trí việc làm được định biên trong cơ sở giáo dục mà thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ và thuộc nhân viên hợp đồng tùy theo nhu cầu của đơn vị.

“Tại sao chúng tôi là những người được đào tạo, tuyển dụng theo trình độ chuyên môn lại được xếp vào cùng vị trí việc làm với nhóm lao động không yêu cầu trình độ chuyên môn. Sau ngày 16/12/2023, khi Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực thì chúng tôi, những viên chức y tế trường học phục vụ trong ngành giáo dục nhiều năm qua sẽ đi về đâu?”, “tâm thư” bày tỏ sự hoang mang, lo lắng của đội ngũ nhân viên y tế học đường về vị trí công việc trong thời gian tới.

Theo Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT, viên chức đã được tuyển dụng biên chế để bố trí vị trí nhân viên y tế trường học trước thời điểm Thông tư số 12/2022/TT-BNV có hiệu lực thi hành (trước ngày 15/2/2023) hiện đang hưởng lương theo ngạch, bậc, hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thì tiếp tục được thực hiện cho đến khi có hướng dẫn mới về chế độ tiền lương theo quy định. Từ thời điểm Thông tư số 12/2022/TT-BNV có hiệu lực thi hành, vị trí việc làm y tế học đường thuộc danh mục vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.

 

Trăm nỗi nhọc nhằn

Nói về công việc của mình, các nhân viên y tế học đường chia sẻ: “Với quy mô trường học như hiện nay, mỗi trường có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn HS. Chỉ với 1 nhân viên y tế trường học, chúng tôi phải thực hiện công việc từ 6 giờ 30 đến 17 giờ 30 hàng ngày. Chúng tôi phải đến trường sớm, trước HS để trực, phòng các em xảy ra tai nạn, thương tích. Tại các cơ sở giáo dục có tổ chức bán trú, chúng tôi phải đến sớm để tiếp nhận thực phẩm, thực hiện kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của ngành y tế. Chúng tôi phải cân đo, theo dõi biểu đồ tăng trưởng, chỉ số BMI của HS để xây dựng và thay đổi phương án đảm bảo dinh dưỡng phù hợp nhất cho sự phát triển của HS”.

Cùng với đó, nhân viên y tế còn làm công tác thu và lập hồ sơ Bảo hiểm y tế HS, phòng chống dịch bệnh, bệnh học đường, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, chăm sóc sức khỏe tâm thần, tư vấn tâm lý học đường… Chưa kể tới việc làm công tác giám sát vệ sinh môi trường, vệ sinh lớp học, đảm bảo môi trường “Xanh-Sạch-Đẹp”. Ngoài ra, nhân viên y tế học đường còn kiêm nhiệm công tác thủ quỹ và thực hiện một số công việc do hiệu trưởng phân công như: công tác bán trú, văn thư, thư viện…

Trao đổi với PV, chị P.T.H., nhân viên y tế một trường MN trên địa bàn huyện Xuyên Mộc cho biết, năm 2011, chị được tuyển dụng biên chế với vị trí nhân viên văn thư trong trường học. Sau khi Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ban hành, để bảo đảm yêu cầu công việc, chị đã phải tự trang trải chi phí, thời gian học thêm Trung cấp y sĩ trong 2 năm. Hiện nay, dù hưởng lương chức danh y tế nhưng chị phải đảm đương cả công việc của văn thư và những công việc không tên khác trong trường học mà không có phụ cấp thâm niên cũng như thu nhập tăng giờ. 

“Nhân viên y tế học đường vất vả, thiệt thòi là vậy nhưng giờ đây, khi Thông tư 19 có hiệu lực thì những người được tuyển dụng sau ngày 15/2/2023 sẽ bị xếp vào nhóm lao động hợp đồng cùng với bảo vệ, nấu ăn, phục vụ. Như vậy, họ sẽ hưởng mức lương thoả thuận và không còn bất cứ khoản phụ cấp, chế độ nào ngoài lương. Riêng những nhân viên y tế công tác lâu năm như chúng tôi thì vẫn chờ hướng dẫn mới, không biết “số phận” mình sẽ đi đâu về đâu”, chị H. buồn rầu nói.

Chị A.V., một nhân viên y tế khác chia sẻ, cảm xúc của chị lúc này cũng là sự “hoang mang, lo lắng về tương lai nghề nghiệp của chính mình”: “Chúng tôi đang ở vị trí nào? Có công bằng cho chúng tôi không khi mà chúng tôi là những viên chức được tuyển dụng theo đúng quy định, đang hưởng lương theo đúng ngạch, bậc, hạng chức danh nghề nghiệp viên chức lại bị đưa về vị trí hợp đồng nhóm hỗ trợ phục vụ không yêu cầu bằng cấp chuyên môn?”. 

Chị V., chị H. và nhiều nhân viên y tế trường học khác kiến nghị được sắp xếp trí việc làm tương xứng với trình độ, trách nhiệm và vai trò để yên tâm công tác, bảo đảm cuộc sống.

Bài, ảnh: HẢI BÌNH

;
.