.
XÂY DỰNG VĂN HÓA DÂN CHỦ TRONG TRƯỜNG HỌC

Quan trọng nhất ở người đứng đầu

Cập nhật: 17:56, 26/11/2023 (GMT+7)

Từ 1/7/2023, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở chính thức có hiệu lực. Trong giáo dục, việc xây dựng văn hóa dân chủ càng trở nên cần thiết. Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, TS.Hồ Cảnh Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục tỉnh nhấn mạnh, một trong những giải pháp chủ đạo là đổi mới phong cách lãnh đạo của người đứng đầu.

TS. Hồ Cảnh Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục tỉnh.
TS.Hồ Cảnh Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục tỉnh phát biểu tại hội nghị Văn hóa học đường trong bối cảnh chuyển đổi số.

* Phóng viên: Ông nhìn nhận như thế nào về văn hóa dân chủ trong trường học, thưa tiến sĩ?

- TS.Hồ Cảnh Hạnh:

Văn hóa dân chủ trường học vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ mà các nhà trường phải xây dựng. Đó là hệ thống các giá trị về dân chủ (vừa là giá trị truyền thống, vừa là các giá trị mang tính khoa học, thời đại). Nội dung của việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của nhà trường, trước hết là dân chủ trong nội bộ. Đó là trách nhiệm của hiệu trưởng và của cán bộ, viên chức trong việc thực hiện dân chủ trong hoạt động nội bộ của nhà trường. Những việc phải công khai để cán bộ, viên chức biết, những việc cán bộ, viên chức tham gia ý kiến, hiệu trưởng quyết định, những việc cán bộ, viên chức giám sát, kiểm tra.

Cùng với đó là dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan tổ chức có liên quan. Bao gồm trách nhiệm của hiệu trưởng và của cán bộ, viên chức trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, tổ chức có liên quan; quan hệ giữa hiệu trưởng với cơ quan cấp trên và với cơ quan cấp dưới.

* Ông đánh giá như thế nào về thực trạng văn hóa dân chủ trong trường học hiện nay?

- Hiện nay, các nhà trường đã và đang thực hiện quy chế dân chủ theo Luật Thực hiện dân chủ cơ sở, Thông tư hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở giáo dục công lập và các quy định của Bộ GD-ĐT về công khai giáo dục, thực hiện điều lệ nhà trường.

Việc thực hiện dân chủ trong nhà trường đã phát huy quyền làm chủ của nhà giáo, cán bộ quản lý, người lao động, người học và nâng cao trách nhiệm của hiệu trưởng. Đồng thời tăng cường nề nếp, kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của cơ sở giáo dục. Qua đó góp phần xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, nâng cao chất lượng GD-ĐT, phòng chống các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cửa quyền. Những hành vi lợi dụng dân chủ vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo, cán bộ quản lý, người lao động và người học, cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của cơ sở giáo dục cơ bản đã được xử lý.

Tuy nhiên, nội bộ một số trường vẫn còn có những hiện tượng mất dân chủ hoặc lợi dụng dân chủ. Biểu hiện thường thấy của lợi dụng dân chủ là sử dụng công nghệ thông tin, phương tiện kỹ thuật, mạng xã hội để chụp hình, ghi âm, quay video, phát tán nội dung các buổi hội họp, các hoạt động của nhà trường để gây mất đoàn kết nội bộ hoặc hạ uy tín lãnh đạo, đồng nghiệp vì mục đích cá nhân. Bên cạnh đó là tùy tiện trong phát ngôn, phát ngôn thiếu chuẩn mực hoặc né tránh, dựa trên danh nghĩa người khác để nói ý của mình…

Hiện tượng mất dân chủ thể hiện ở việc lợi dụng chức quyền để tìm cách đe dọa, trù dập; kết bè, kết phái, vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân; bao che cho việc làm sai trái, thiên vị trong đánh giá, nhận xét và thực hiện chế độ, chính sách; hẹp hòi, “thù dai, thù vặt” trong sinh hoạt cũng như trong làm việc; thiếu minh bạch, tự phê bình và phê bình kém; để dân chủ quá trớn. Người đứng đầu chưa thể hiện được trách nhiệm làm gương, nêu gương.

Một số nguyên nhân mất dân chủ trong nhà trường như tình trạng tập trung quyền lực vào một hoặc một ít người. Văn hóa và ý thức dân chủ của các thành viên còn thiếu. Lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm tạo thế lực làm cho GV, HS không dám có ý kiến. Ngoài ra nguyên nhân còn đến từ sự bao che của một số lãnh đạo cấp trên; việc công khai không đầy đủ, hình thức, đối phó; đánh giá hiệu trưởng, lãnh đạo, GV, người lao động chưa thực chất; cơ chế hội đồng trường chưa phát huy vai trò, trách nhiệm…

* Theo ông, giải pháp nào để xây dựng văn hóa dân chủ trường học?

- Người làm giáo dục, người hưởng thụ giáo dục đều có nghĩa vụ, trách nhiệm trong việc xây dựng văn hóa dân chủ nhà trường, mà vai trò trực tiếp và quan trọng nhất là nhà quản lý giáo dục, người đứng đầu. Vai trò, quyền hạn của người đứng đầu (thường là hiệu trưởng) trong thực hiện dân chủ trường học lớn hơn các chủ thể khác nên trách nhiệm, nghĩa vụ lớn hơn, bao trùm hơn.

Theo tôi, một trong các giải pháp mang tính chủ đạo để xây dựng văn hóa dân chủ trường học đó là đổi mới phong cách lãnh đạo, chú trọng hình thành phong cách lãnh đạo dân chủ.

Người lãnh đạo có phong cách dân chủ cho phép mọi thành viên được tham gia, tự do thể hiện ý kiến của cá nhân, luôn nghiêm túc trong việc thực hiện phê bình và tự phê bình. Trong quan hệ với mọi người thường tuân thủ rất tốt các nguyên tắc giao tiếp: tôn trọng, đồng cảm và có thiện chí.

Bên cạnh năng lực chuyên môn, phong cách lãnh đạo dân chủ đòi hỏi người lãnh đạo cần phải có năng lực tổ chức và sự điềm tĩnh. Ngoài phong cách lãnh đạo dân chủ là chủ đạo, cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hợp lý phong cách lãnh đạo độc đoán hiệu quả trong những trường hợp cấp thiết, cần thiết, phong cách lãnh đạo tự do và loại bỏ phong cách lãnh đạo độc đoán quan liêu, chuyên quyền.

*Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

HẢI BÌNH
(Thực hiện)

.
.
.