Vì sao nam giới dễ bị axit uric cao?

Thứ Sáu, 17/11/2023, 18:12 [GMT+7]
In bài này
.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ nam giới có nồng độ axit uric cao hơn nữ, phần lớn là do nguyên nhân đến từ thói quen ăn uống và đặc thù giới tính.

Nam giới có xu hướng sử dụng rượu bia cao hơn nữa nên nguy cơ bị axit uric cao hơn. Ảnh minh họa.
Nam giới có xu hướng sử dụng rượu bia cao hơn nữa nên nguy cơ bị axit uric cao hơn. Ảnh minh họa.

Cả nam giới và phụ nữ đều tiết ra hormone trong cơ thể, nam giới chủ yếu testosterone, còn nữ giới có nhiều estrogen hơn. Nội tiết tố nam testosterone nhạy hơn với axit uric, nó ức chế sự bài tiết axit uric qua thận, khiến hàm lượng axit uric trong cơ thể tăng cao. Từ đó đẩy nhanh quá trình hình thành và lắng đọng tinh thể axit uric, dẫn đến bệnh gút. Trong khi đó, estrogen lại có tác dụng ngược lại có thể ức chế sự hình thành urate nguy cơ tăng axit uric sẽ giảm đi. Tuy nhiên, khi phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh, nồng độ estrogen giảm đáng kể và nguy cơ tăng axit uric cũng cao như nam giới.

Bên cạnh đó, phần lớn phụ nữ có thói quen ăn uống kiêng để giữ dáng, trong khi nam giới thường làm việc và giao lưu nhiều thường ăn các loại thịt, hải sản, nội tạng động vật... đây là những thực phẩm chứa hàm lượng purine cao. Hàm lượng purine cao có thể dẫn đến tăng axit uric máu. Ngoài ra, ăn quá nhiều chất béo sẽ làm tăng độ nhớt của máu, tăng gánh nặng cho thận, kích thích hoạt động của một số lượng lớn enzyme chuyển hóa purine, tăng purine nội sinh và sản sinh ra nhiều axit uric hơn.

Một yếu tố nữa là nhiều nam giới có thói quen uống rượu, rượu sau khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa tạo thành axit lactic có tác dụng ức chế đào thải axit uric dễ gây ra bệnh gút. Trong bia có chứa carbon dioxide, được hấp thụ nhanh, carbon dioxide sẽ chuyển hóa thành axit carbonic, làm giảm giá trị pH, khiến quá trình đào thải axit uric bị tắc nghẽn, có nguy cơ mắc bệnh ung thư, gút.

Ngoài ra, thức khuya, làm việc quá giờ, làm việc quá sức, tâm trạng không tốt có thể làm rối loạn hệ thần kinh tự chủ của cơ thể, dễ gây co thắt các mạch máu bề mặt và nội tạng. Trong đó có mạch máu thận, dẫn đến chuyển hóa axit uric bất thường và giảm bài tiết.

NGUYỄN THI (Tổng hợp)

 

;
.