Phổi tắc nghẽn mạn tính Mối nguy âm thầm

Thứ Sáu, 24/11/2023, 16:15 [GMT+7]
In bài này
.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (viết tắt là COPD) là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 trong các nguyên nhân gây tử vong trên toàn cầu. Tuy nhiên, bệnh có thể được kiểm soát và phòng ngừa nếu được tuân thủ các phương pháp điều trị và tập luyện phù hợp.

Hình X quang của bệnh nhân COPD cho thấy tổn thương ở hai bên phổi.
Hình X quang của bệnh nhân COPD cho thấy tổn thương ở hai bên phổi.

 

Các triệu chứng của COPD

Các triệu chứng của COPD phần lớn không rõ ràng nên dễ nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác. Ban đầu người bệnh cảm thấy khó thở, thở khò khè, nhất là khi vận động như lên cầu thang, khuân vác, chạy, kéo hoặc đẩy vật nặng. Bên cạnh đó còn có tức ngực, họ kéo dài, có đờm… Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị, càng về sau cơn khó thở càng xuất hiện thường xuyên hơn rồi đến giai đoạn cuối, người bệnh khó thở ngay cả khi ngồi hoặc nằm trên giường.

Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân viêm niêm mạc đường thở, tăng tiết đờm, ho khạc đờm kéo dài, xuất hiện cơn khó thở khi tiếp xúc các yếu tố nguy cơ như khói thuốc, khói bếp, hoặc khi thay đổi thời tiết.

Ở giai đoạn muộn, thường thì bệnh đã tiến triển nặng hoặc rất nặng. Bệnh nhân khó thở khi gắng sức hoặc chỉ là gắng sức nhẹ, có thêm các biểu hiện đi kèm như phù chân, tím môi, tràn khí màng phổi, suy tim do thiếu oxy, giảm tuổi thọ. Tỉ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân COPD giai đoạn nặng là 70%, còn với giai đoạn rất nặng chỉ là 30%. Tất cả đều phải thở oxy dài hạn, phải nằm tại chỗ từ 16 đến 18 tiếng mỗi ngày.

Cần phân biệt giữa COPD và bệnh suyễn vì triệu chứng của 2 bệnh này gần giống nhau, nghĩa là khó thở nhưng với suyễn, nó chỉ xuất hiện từng cơn, khi qua cơn thì người bệnh trở lại bình thường còn COPD giai đoạn nặng, người bệnh khó thở thường xuyên. Hơn nữa suyễn khi dùng thuốc - chủ yếu là khí dung phun vào họng thì cắt cơn ngay, còn COPD chỉ dễ thở được một thời gian ngắn.

Nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa COPD

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh  COPD. Trong đó, do cơ thể thiếu hụt, khuyết tật về gien (thiếu hụt men alpha 1 antitrypsin); ảnh hưởng từ khói thuốc lá, thuốc lào (90% trường hợp mắc COPD là do hút thuốc lá và hút hơn 20 điếu mỗi ngày), do khí thải, khí độc công nghiệp, bụi bặm, nhất là những người thường xuyên tiếp xúc với chất amiăng có trong tôn Fibro xi măng lợp nhà, trong tấm cách nhiệt, chống cháy. Bên cạnh đó, người làm nghề thợ mỏ, công nhân xây dựng, thợ dệt, thợ luyện kim…, nếu không được trang bị bảo hộ lao động đầy đủ, hoặc không tuân thủ các quy định về bảo hộ lao động cũng dễ mắc phải bệnh COPD.

Chẩn đoán COPD chủ yếu dựa trên những người có tiền sử nguyên nhân gây bệnh và cách đo chức năng hô hấp. Kết quả đo sẽ cho biết thông tin chính xác về lưu lượng không khí lưu thông trong phế quản và trong phổi. Bệnh nhân còn được chỉ định làm những xét nghiệm khác như chụp X quang phổi, đo dung tích toàn phổi, đo thể tích khí căn, khuếch tán khí qua màng phế nang mao mạch… Dựa trên những kết quả này, bác sĩ có thể chia bệnh thành các giai đoạn khác nhau. 

Cho đến nay chưa có bất kỳ phương pháp nào có thể điều trị khỏi hoàn toàn COPD. Tuy nhiên, nếu tuân thủ nghiêm ngặt chỉ dẫn của bác sĩ, bệnh nhân có thể kiểm soát tình trạng bệnh, giảm số lần cần phải nhập viện và kéo dài thời gian sống. 

Một trong những biện pháp đầu tiên là tránh xa các yếu tố tác động môi trường như thuốc lá, khói bụi... Bên cạnh đó, người bệnh có thể tập một số bài tập nhằm làm tăng dung tích thở, gồm: Hít vào bằng mũi rồi  thở ra từ từ bằng miệng (chúm môi lại như thổi sáo). Thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào. Lập đi lập lại từ 10 đến 20 lần tùy theo sức khỏe. Mỗi ngày tập ít nhất 3 lần, mỗi lần 15 phút. Khi đã quen, nên áp dụng đều đặn hàng ngày.  Nằm thẳng lưng, đặt một tay lên ngực, một tay lên bụng. Hít sâu, chậm và đều qua mũi, cảm nhận bụng nhô lên. Thở ra và cảm nhận bụng xẹp xuống. Thực hiện từ 10 đến 20 lần mỗi ngày. Cũng có thể thực hiện bài tập nêu trên bằng phướng pháp ngồi hoặc đứng. Hít vào thật sâu bằng mũi rồi thở ra bằng miệng thật nhanh và mạnh. 

Bs DƯƠNG TỐNG 

(Chuyên khoa I Lao và Bệnh phổi)

;
.