Mâm cơm đoàn kết- gắn tình làng, nghĩa xóm
Lần đầu tiên tổ chức, nhưng hội thi ẩm thực với chủ đề “Mâm cơm đoàn kết” do UBMTTQ Việt Nam TP.Bà Rịa chủ trì đã thu hút 51 đội tham gia. Hội thi không chỉ là sân chơi cho các cán bộ mặt trận cơ sở, mà còn là dịp để thể hiện tình làng, nghĩa xóm ở cộng đồng khu dân cư.
Mâm cơm đoàn kết của KP.2, phường Phước Nguyên tại hội thi. |
Gà, rau trong vườn, cá trong ao
Gắn kết cộng đồng thể hiện trong mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm. Và tuy cuộc sống hiện đại bận rộn, nhưng nghĩa xóm giềng vẫn rất quan trọng ở từng khu dân cư. Đặc biệt, trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, các khu phố, tổ dân cư đều duy trì bữa cơm đoàn kết, để mọi người cùng ngồi lại, trò chuyện, tâm tình. UBMTTQ Việt Nam TP.Bà Rịa đã tổ chức hội thi để các tổ dân cư thể hiện tay nghề ẩm thực của mình.
Theo yêu cầu từ Ban Tổ chức, mỗi đội được sử dụng 400.000 đồng để đi chợ nấu mâm cơm đủ cho 10 người ăn, với món cơm và 3-5 món mặn (nấu, xào, chiên). Các mâm cơm bảo đảm các tiêu chí: tính thẩm mỹ, vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt chất lượng.
51 đội thi đến từ 51 Ban Công tác mặt trận (CTMT) khu dân cư đã thể hiện những mâm cơm đầy màu sắc. Mỗi đội đều có điểm nhấn để tạo dấu ấn cho riêng mình và không “đụng hàng” với khu dân cư khác.
Ấp Phước Tân 4, xã Tân Hưng đến với hội thi là mâm cơm bài trí khéo léo, gồm các món: cơm trắng, gà hấp lá chanh, cá chép om dưa, hải sản xào thập cẩm, canh rau ngót, đậu que luộc và quýt tráng miệng. “Gà nuôi trong vườn, cá sẵn trong ao, rau trong vườn của chúng tôi cũng sẵn, nên với số tiền 400 ngàn đồng, chúng tôi không khó khăn khi sửa soạn mâm cơm này. Bữa cơm không chỉ thể hiện tinh thần đoàn kết của đội chúng tôi tại hội thi, mà còn thể hiện tình làng nghĩa xóm tại ấp Phước Tân 4, đồng thời chúng tôi muốn giới thiệu đến mọi người những món ăn ngay trên vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu”, ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Ban CTMT ấp Phước Tân 4 cho biết.
Cũng sử dụng cây nhà, lá vườn để vừa bảo đảm dinh dưỡng, vừa không bị quá số tiền 400.000 đồng là mâm cơm của KP.2, phường Phước Nguyên. Mâm cơm gồm cơm trắng, cá chiên giòn, gà luộc, heo quay, bắp chuối trộn gỏi, rau củ quả thập cẩm và tráng miệng đu đủ. 2 đầu bếp là bà Lương Thị Hiền và chị Huỳnh Thị Tường Vân chỉ mất khoảng 2 tiếng để chuẩn bị và thực hiện xong bữa ăn. Bà Hiền cho hay, hiện bà sinh hoạt tại CLB dân vũ của địa phương, mọi người thỉnh thoảng lại nấu bữa cơm hoặc chè, xôi… để đãi nhau, vừa vui, vừa bảo đảm dinh dưỡng và chi phí không quá cao.
Một mâm cơm đoàn kết màu sắc, đủ dinh dưỡng. |
Các đội thi khác cũng mang đến hội thi nhiều mâm cơm với các món ăn phong phú, như: cơm chiên dương châu, chả giò, gỏi ngó sen, xôi ngũ sắc, canh khổ qua, lẩu thả miền Trung, rau củ quả luộc… Nhiều đội tỉ mỉ tỉa trái quýt, quả dưa hấu thành bông hoa hoặc những con vật ngộ nghĩnh để trang trí cho mâm cỗ.
Nét đẹp tại khu dân cư
Hàng năm, tại Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, ngoài phần lễ, hội, thì bữa cơm đại đoàn kết, mâm cơm đoàn kết luôn được người dân tại các khu dân cư hưởng ứng nhiệt tình. Bữa cơm chung để mọi người trong khu dân cư, từ già đến trẻ, từ cán bộ đến người dân, con em xa quê có dịp quây quần, chia sẻ về chuyện gia đình, chuyện trong và ngoài xóm, đặc biệt là sự chung tay, đóng góp để cùng xây dựng cuộc sống chung tại khu phố, thôn ấp mình ngày càng tốt đẹp hơn. Nhờ đó, tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận, tình cảm láng giềng càng được gìn giữ và nhân lên. Bữa cơm đại đoàn kết có thể do người dân đóng góp, hoặc các nhà hảo tâm ủng hộ. Đặc biệt, các hộ nghèo, hộ khó khăn thường được miễn phần đóng góp này và được mời tham dự bữa cơm để cùng chung vui với cả xóm. Nhiều nơi còn giữ nguyên truyền thống mọi người cùng tham gia nấu bữa cơm, mỗi nhà phụ trách 1-2 món, tự tay thực hiện để mâm cơm ngon, sạch, đủ đầy.
“Bữa cơm/mâm cơm đoàn kết không chỉ đơn thuần là dịp để bà con ngồi lại với nhau sau những ngày lao động vất vả, bận rộn, mà còn là nét đẹp văn hóa thời kỳ đổi mới. Vì vậy, cần duy trì và phát triển. Hội thi Mâm cơm đoàn kết nhằm phát huy nét đẹp này, giới thiệu các món ăn, ẩm thực truyền thống vùng miền, đặc biệt là niềm vui, sự phấn khởi của người dân trong những bữa cơm đại đoàn kết tại các khu dân cư”, bà Lương Thị Kiều Trang, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.Bà Rịa nhấn mạnh.
|
Theo bà Lương Thị Kiều Trang, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.Bà Rịa, năm 2023 là năm kỷ niệm 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (2003-2023) nên MTTQ thành phố tổ chức hội thi, nhằm tạo sân chơi để các cán bộ làm công tác mặt trận ở cơ sở giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi những kinh nghiệm hay để về áp dụng tại địa phương. Đồng thời, lan tỏa nét đẹp duy trì bữa cơm đoàn kết tại các khu dân cư.
Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH