Tháng 11/2023 là “cột mốc” đánh dấu 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, cũng là kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2023). Nhân dịp đặc biệt này, phóng viên Báo Bà Rịa – Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT về những giải pháp để nâng cao chất lượng và vị thế đội ngũ nhà giáo.
*PV: Thưa bà, nhìn lại chặng đường 10 năm qua, ngành GD-ĐT tỉnh đã gặt hái được những thành quả gì trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT?
- Bà Trần Thị Ngọc Châu: Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, trong 10 năm qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã nghiêm túc triển khai đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT. Đồng thời, được sự quan tâm, hỗ trợ của các tầng lớp nhân dân, sự nghiệp GD-ĐT tỉnh có bước phát triển vững chắc. Chất lượng, hiệu quả, vị thế của giáo dục của tỉnh ngày càng được khẳng định so với cả nước. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm, tăng cả về số lượng và chất lượng. Cơ sở vật chất trường, lớp và thiết bị dạy học, cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội học tập cho người dân, góp phần nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh và cả nước.
Những năm qua, đội ngũ nhà giáo không ngừng được củng cố, phát triển về cả số lượng và chất lượng. Trong ảnh: Cô và trò Trường TH Lưu Chí Hiếu (TP. Vũng Tàu). |
Những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách để phát triển giáo dục, tạo được dấu ấn riêng khi trở thành tỉnh có chất lượng tăng trưởng giáo dục nhanh và bền vững trong khu vực, cũng như cả nước. Bên cạnh đó, ngành còn tập trung thực hiện đổi mới nội dung, chương trình GDPT, thay SGK và đổi mới phương pháp giáo dục theo chuẩn kiến thức, kỹ năng.
Đến nay, giáo dục MN duy trì 100% trẻ đến trường được học 2 buổi/ngày và được bán trú tại trường; tỷ lệ huy động trẻ đến lớp luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Giáo dục TH tổ chức cho 90,7 % HS học 2 buổi/ngày (tăng 28,4% so với năm 2013); tỷ lệ HS hoàn thành Chương trình giáo dục TH đạt 99,97%. Đối với giáo dục THCS, tỷ lệ trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đạt 17,39%; tỷ lệ hoàn thành chương trình THCS lên học THPT là 75,29%. Với cấp THPT, tỷ lệ tốt nghiệp THPT giai đoạn 2013 - 2022 tăng so với giai đoạn trước, bình quân 98%. Tỷ lệ HS đậu ĐH và CĐ đạt 70%; toàn tỉnh có 369 lượt HS đoạt giải quốc gia cấp THPT…
Về phổ cập giáo dục, tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi vào năm 2013, trước kế hoạch đề ra 2 năm và được công nhận duy trì cho đến nay. 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3; phổ cập giáo dục THCS được duy trì bền vững. Đến năm 2022, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia các cấp đạt 64,90% (tăng 31,18% so với năm 2013)…
*Cùng với chất lượng giáo dục thì số lượng và chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có bước phát triển như thế nào, thưa bà?
- Trong 10 năm qua, cùng với sự phát triển KT-XH của tỉnh, đội ngũ cán bộ quản lý, GV tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh không ngừng được củng cố, kiện toàn, phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong công tác quản lý và giảng dạy.
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 20 ngàn cán bộ quản lý, GV, nhân viên ngành giáo dục. Tỉnh đã tiến hành rà soát, sắp xếp, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Đa số GV và cán bộ quản lý ngành giáo dục có tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và ngoại ngữ ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ GV đạt chuẩn và trên chuẩn theo luật Giáo dục 2019 khá cao: GV cấp MN đạt chuẩn 96,2%, trên chuẩn 31,52%; GV TH có trình độ ĐH trở lên là 92,3%; GV THCS có trình độ ĐH trở lên là 91,4%; GV THPT có trình độ ĐH trở lên là 100%. Việc nâng chuẩn dự kiến hoàn thành trước năm 2025.
Cô Huỳnh Thị Bích Tuyền, GV Trường TH Mỹ Xuân (TX. Phú Mỹ) được vinh danh là Nhà giáo tiêu biểu năm 2023. |
* Thời gian tới, ngành có giải pháp gì để tiếp tục nâng cao chất lượng và vị thế của đội ngũ nhà giáo?
- Từ năm 2013 đến nay tỉnh ban hành 1 Quyết định và trình HĐND phê duyệt 5 nghị quyết chính sách có tác động trực tiếp đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, nhằm hướng đến thực hiện mục tiêu “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”. Ngoài ra, còn có chính sách ưu đãi đối với công chức, viên chức, nhân viên công tác tại địa bàn huyện Côn Đảo.
Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công tác quản trị, quản lý trong ngành giáo dục bảo đảm dân chủ, thống nhất, nghiêm minh; tăng cường phân cấp quản lý cho các cơ sở giáo dục, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong quản lý, giảng dạy, học tập.
Cùng với đó là công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT. Tiếp tục rà soát, đánh giá năng lực thực tiễn, cơ cấu đội ngũ để có kế hoạch bố trí, sắp xếp phù hợp. Ngành cũng sẽ kịp thời tham mưu bổ sung GV các cấp học, bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu theo quy định. Đồng thời đào tạo nâng chuẩn trình độ cho GV các cấp học, bồi dưỡng về năng lực sư phạm để GV đáp ứng được yêu cầu giảng dạy trong tình hình mới. Đặc biệt là việc thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách đối với đội ngũ, kịp thời kiến nghị bổ sung, điều chỉnh những chế độ, chính sách còn bất hợp lý.
Ngành cũng chú trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, nhân cách, đạo đức, lối sống; tăng cường công tác xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong trường học; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm, đạo đức, lối sống của cán bộ quản lý, GV, nhân viên.
*Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!