Cảnh báo tình trạng kháng thuốc
Bệnh nhân kháng thuốc đang trở thành mối lo không chỉ với người bệnh mà còn với cả các cơ sở y tế, khi khó lựa chọn những liệu pháp hiệu quả, phù hợp.
Bác sĩ Nguyễn Thị Duyên khám bệnh cho bệnh nhân N.V.T. |
Xảy ra phổ biến
Ông Nguyễn Văn Thắng (62 tuổi, xã Tân Hải, TX.Phú Mỹ) điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (Bệnh viện Bà Rịa) gần 1 tháng nay. Ông bị viêm phổi nặng, phải thở máy. Nguyên nhân khiến ông bị bệnh, là nhiễm vi khuẩn Pseudomonas Aeruginosa.
Khi tiến hành điều trị, xem xét kết quả kháng sinh đồ, các bác sĩ nhận thấy, ông Thắng bị kháng với hầu hết các loại kháng sinh. Do đó, việc điều trị không như kết quả mong đợi. Sau một thời gian dài, bệnh nhân vẫn chưa thể cai được máy thở. Mặc dù đã kiểm soát được tình trạng nhiễm trùng, nhưng nguy cơ nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc rất cao.
Hay như trường hợp ông Hoàng Thanh Toàn (58 tuổi, phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu) cũng bị suy hô hấp, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính nặng đột cấp do nhiễm vi khuẩn Klebsiella pneumoniae. Ngoài bệnh này, ông Toàn còn bị suy thận cấp nên việc điều trị cho bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn.
Bác sĩ Nguyễn Thị Duyên, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (Bệnh viện Bà Rịa) cho biết, trong hơn 10 ngày điều trị, bệnh nhân này được kết hợp nhiều phương pháp như dùng kháng sinh, lọc máu liên tục, thở máy, đặt nội khí quản. Điều lo ngại là người bệnh đã kháng với nhiều loại kháng sinh, nên việc lựa chọn các kháng sinh để tiếp tục chữa trị sẽ bị hạn chế và ít đi.
“Khi bị kháng thuốc, người bệnh này cần phải điều trị khoảng 2-3 tuần và tốn nhiều chi phí. Sau khi được BHYT chi trả, người bệnh cần phải thanh toán thêm khoảng 1 triệu đồng/ngày”, bác sĩ Duyên thông tin.
Cũng theo bác sĩ Duyên, trung bình mỗi ngày, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc có khoảng 30 bệnh nhân điều trị. Đây là những ca bệnh nặng. Phần lớn bệnh nhân mắc các bệnh lý sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, viêm phổi nặng và các bệnh nhiễm trùng khác. Trong quá trình điều trị, phải phối hợp sử dụng rất nhiều loại kháng sinh, có những nhóm kháng sinh mạnh cho người bệnh. Do đặc thù như vậy nên tình trạng kháng kháng sinh khá phổ biến ở khoa.
“Những bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến suy giảm miễn dịch, hoặc bệnh nhân từng sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch; bệnh nhân điều trị từ các bệnh viện tuyến trên chuyển về mang theo các mầm bệnh đã được điều trị nhưng chưa dứt điểm… là những yếu tố làm cho số lượng bệnh nhân có những vi khuẩn kháng thuốc khá nhiều ở khoa chúng tôi”, bác sĩ Duyên nói.
Không lạm dụng kháng sinh
Theo các chuyên gia y tế, kháng thuốc xảy ra khi vi khuẩn, vi rút, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo thời gian và không còn đáp ứng với thuốc, khiến các bệnh nhiễm trùng thông thường trở nên khó điều trị hơn và làm tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong.
Hiện nay, Việt Nam nằm trong số các nước có tỷ lệ kháng thuốc cao do lạm dụng, sử dụng không hợp lý thuốc kháng sinh và các loại thuốc chống vi sinh vật khác. Vì vậy, người dân chỉ nên dùng thuốc kháng sinh và các loại thuốc chống vi sinh vật khác do bác sĩ kê đơn, luôn tuân thủ theo lời khuyên của nhân viên y tế khi sử dụng kháng sinh. Không dùng chung hoặc sử dụng kháng sinh còn thừa của người khác. Ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách rửa tay thường xuyên, chuẩn bị thức ăn hợp vệ sinh, tránh tiếp xúc gần với người bệnh, thực hành tình dục an toàn và tiêm chủng đầy đủ.
Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra 4 mục tiêu cụ thể, gồm: Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và hiểu biết của nhân viên y tế, thú y và người dân về phòng, chống kháng thuốc; củng cố hệ thống giám sát kháng thuốc để cảnh báo kịp thời về sự xuất hiện, lan truyền, mức độ và xu hướng kháng thuốc của các vi sinh vật; giảm sự lan truyền của vi sinh vật và bệnh truyền nhiễm, sử dụng thuốc kháng vi sinh vật ở người và động vật hợp lý, an toàn và có trách nhiệm.
|
GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, kháng thuốc là mối đe dọa sức khỏe và sự phát triển trên toàn cầu đòi hỏi cần có các hành động đa ngành khẩn cấp, phù hợp để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Nhận thức được tầm quan trọng của phòng, chống kháng thuốc, từ năm 2013, Bộ Y tế ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2013-2020. Qua đó, Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức triển khai và đạt được những kết quả tích cực.
Tuy nhiên, kháng thuốc vẫn đang là mối lo ngại ở Việt Nam. Tình hình kháng thuốc đang có nguy cơ gia tăng. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu nhằm làm chậm sự tiến triển kháng thuốc và ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của các vi sinh vật kháng thuốc, bệnh truyền nhiễm.
Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG
*Tên người bệnh đã được thay đổi