Sáng 10/11, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 12/9/2019 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025” trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Xem video:
Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu tư vấn hướng nghiệp cho HS THCS trên địa bàn huyện Long Điền. |
Có chuyển biến nhưng chưa đạt mục tiêu
Theo báo cáo của UBND tỉnh, nhận thức về công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS, THPT trong các cấp lãnh đạo, trong các nhà trường, GV, HS và nhân dân đã có sự thay đổi. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm, phối hợp, tích cực vận động, tạo mọi điều kiện, định hướng cho HS sau tốt nghiệp THCS, THPT. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức đã phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn để tuyên truyền và phổ biến rộng rãi về Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025”.
TS tâm lý Đào Lê Hòa An tư vấn hướng nghiệp cho HS Trường THPT Long Hải - Phước Tỉnh. |
Sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các trường trung cấp, CĐ nghề, các cơ sở sản xuất kinh doanh... trong công tác giáo dục hướng nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, tạo tiền đề cho HS định hướng nghề nghiệp từ đầu cấp học. Các đơn vị trường học đã thực hiện tốt việc dạy học lồng ghép nội dung hướng nghiệp trong các bộ môn văn hoá và hoạt động giáo dục.
Tuy nhiên, việc huy động số HS sau tốt nghiệp THCS không tiếp tục học lớp 10 THPT vào học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đạt chỉ tiêu đề ra theo kế hoạch 135. Từ năm 2019 đến nay, tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS theo học giáo dục nghề nghiệp đạt từ 9,66-12,27%, riêng năm 2023 là 12,27%. Tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT vào học trình độ CĐ từ 9,05-14,1%, riêng năm 2023 đạt 9,63%. Trong khi đó, Kế hoạch 135 phấn đấu đến 2021 đạt ít nhất 20% HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đạt ít nhất 40% HS tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ CĐ.
Ngành GD-ĐT đã tổ chức 3.841 đợt tuyên truyền cho 156.018 lượt HS, GV, nhân viên và 98.120 lượt phụ huynh bậc THPT; 1.522 đợt tuyên truyền cho 177.484 lượt HS, GV, nhân viên và 434 đợt cho 30.337 lượt phụ huynh bậc THCS. Sở LĐTBXH tổ chức 16 đợt tuyên tuyền về nội dung, chính sách, quy định của công tác phân luồng cho 9.500 lượt HS, GV, cán bộ hội phụ nữ, thanh niên…; thực hiện in và phát 20.000 tờ rơi về chính sách học nghề, các cơ sở đào tạo nghề, định hướng lĩnh vực chọn nghề cấp cho các địa phương.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện tư vấn tuyển sinh trực tiếp hàng năm từ năm 2019-2022 tại các trường THCS, THPT. Tổng số học sinh được tư vấn là 37.762 lượt em, tổng số phụ huynh được tư vấn: 27.762 người.
Từ năm 2019 đến hết năm 2022, kinh phí bố trí thực hiện Kế hoạch 135 với cấp tỉnh đã giải ngân được hơn 3,6 tỷ đồng, đạt 39,60%; cấp huyện đã giải ngân hơn 105 triệu đồng, đạt 22,42%.
|
Nhiều khó khăn, thách thức
Tại hội nghị, các cán bộ quản lý giáo dục, các chuyên gia đã chỉ ra những nguyên nhân khiến cho tỷ lệ phân luồng, hướng nghiệp chưa đạt mục tiêu đề ra.
Ông Hồ Sĩ Nhật Nam, Hiệu trưởng Trường THPT Hoà Bình (huyện Xuyên Mộc) nhận định, nguyên nhân khiến công tác phân luồng, hướng nghiệp HS tốt nghiệp THPT vào giáo dục nghề nghiệp chưa đạt hiệu quả trước hết là do tuyển sinh ở bậc ĐH hiện nay rất “mở”, khiến cho cơ hội vào ĐH quá dễ dàng. Trong khi đó, một bộ phận HS còn mơ hồ trong việc định hướng nghề nghiệp nhưng lại có tâm lý thích học ĐH. Không chỉ vậy, đội ngũ làm công tác tư vấn, hướng nghiệp trong các trường phổ thông đều là kiêm nhiệm, kiến thức về tư vấn có được hầu hết thông qua các lớp tập huấn nên chưa đủ sâu rộng để tư vấn cho HS.
Chuyên gia tâm lý Tô Nhi A giao lưu với HS THCS tại huyện Long Điền trong một buổi tư vấn hướng nghiệp. |
Ông Lê Thanh Kính, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Châu Đức cho biết thêm, HS tốt nghiệp THCS, chỉ mới 14-15 tuổi, suy nghĩ và nhận thức chưa chín chắn nên mọi quyết định chủ yếu phụ thuộc vào phụ huynh HS. Ở địa bàn nông thôn, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nên sự quan tâm của phụ huynh tới con em còn hạn chế.
Còn bà Nguyễn Thị Mai, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi (TP Bà Rịa) thì chỉ ra khó khăn: Hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp chưa rõ nét khiến nhà trường khó giải thích và thuyết phục phụ huynh, HS. “Đầu vào, đầu ra, giải quyết việc làm cho HS sau khi học nghề như thế nào? HS tốt nghiệp THCS học nghề xong chưa đủ tuổi để được tuyển dụng sẽ đi đâu về đâu? Bị chất vấn những câu hỏi như thế này các nhà trường rất khó trả lời nên không tránh khỏi việc bị phản ứng khi tư vấn cho phụ huynh”, bà Mai nói.
Về phía cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ông Trần Văn Tùng, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế VABIS cho rằng căn nguyên của vấn đề là do nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp: “Nhiều người nhận thức rằng chỉ có HS học kém, học yếu mới vào học nghề. Nhận thức không đầy đủ về học nghề đã đẩy một lượng lớn HS lớp 9 ra ngoài con đường học tập khi nhiều em được gia đình cho ở nhà chứ không lựa chọn cho học nghề”.
HS Trường THPT Vũng Tàu bày tỏ băn khoăn trong lựa chọn ngành học. |
Cần nâng cao vị thế của giáo dục nghề nghiệp
Để tháo gỡ khó khăn cho công tác phân luồng, hướng nghiệp, ông Hồ Sĩ Nhật Nam đề xuất mở rộng đối tượng tuyên truyền, ngoài HS còn cần quan tâm hơn nữa tới phụ huynh HS. Cùng với đó, các trường đào tạo nghề cần phối hợp với các trường phổ thông xây dựng chương trình tuyên truyền, tần số tuyên tuyên truyền phải thường xuyên, liên tục để các thông tin về thị trường lao động, nghề trong các cơ sở đào tạo, chính sách cho người học… đến với HS một cách liên tục và đậm nét. Ngoài ra, đội ngũ làm công tác hướng nghiệp trong trường học cần phải được đào tạo bài bản, có chuyên môn sâu, giúp cho công tác tư vấn thực sự hiệu quả.
Ông Trần Văn Tùng cho rằng, việc cần làm là phải nâng tầm vị thế của giáo dục nghề nghiệp để HS, phụ huynh và toàn xã hội nhận thức được rằng giáo dục nghề nghiệp không phải chỉ dành cho HS yếu kém. Đó là định hướng của Chính phủ nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn lao động cho xã hội. Việc này phải được thực hiện bằng tăng cường công tác truyền thông. Bên cạnh các cơ quan truyền thông thì GV phổ thông chính là người "truyền lửa", giúp HS, phụ huynh hiểu được giá trị học nghề. Các nhà trường cần xác định hướng nghiệp là trách nhiệm chứ không phải là hỗ trợ. Ông Tùng cũng nhấn mạnh: “Phụ huynh cần được hướng nghiệp, thậm chí hướng nghiệp rất kỹ”.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở GD-ĐT tham mưu sửa đổi kế hoạch 135. Trong đó, phải đề ra được các giải pháp nâng cao tỷ lệ phân luồng HS theo học giáo dục nghề nghiệp. Thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng nghiệp, đặc biệt quan tâm tới đối tượng phụ huynh HS; tăng cường truyền thông về những tấm gương học nghề thành công. Cùng với đó, cần tăng cường đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ GV làm công tác tư vấn hướng nghiệp. Các trường CĐ, TC cần có chính sách đào tạo để thu hút HS. Tỉnh cũng sẽ nghiên cứu các chính sách hỗ trợ cho HS như chính sách hỗ trợ đi lại, học phí, học bổng cho HS…
Bài, ảnh: KHÁNH CHI