Các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Phú Yên chủ động ứng phó với mưa lũ
Dự báo từ ngày 12-14/11, khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên có mưa to đến rất to từ 80-180mm, có nơi trên 250mm; khu vực Hà Tĩnh có mưa từ 80-150mm, có nơi trên 200mm.
Cán bộ, chiến sỹ của thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Bắc Trung Bộ vận chuyển lương thực, thực phẩm lên thuyền để chuyển vào vùng ngập, đầu tháng 11/2023. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN) |
Ngày 12/11, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, Chống Thiên tai-Ủy ban Quốc gia Ứng phó Sự cố Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn ban hành Công điện Số 17/CĐ-QG gửi Ban Chỉ huy Phòng, Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Thanh Hoá đến Phú Yên; Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải, Công Thương; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam.
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 12-14/11, khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên có mưa to đến rất to từ 80-180mm, có nơi trên 250mm. Khu vực Hà Tĩnh có mưa từ 80-150mm, có nơi trên 200mm; khu vực Thanh Hoá, Nghệ An có mưa từ 50-100mm, có nơi trên 150mm.
Từ đêm 14-17/11, khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên tiếp tục mưa từ 150-350mm, có nơi trên 450mm. Mưa lớn gây lũ trên các sông Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi ở mức báo động 2-báo động 3, có sông trên báo động 3; các sông khác từ Quảng Bình đến Phú Yên ở mức báo động 1-báo động 2. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng khu vực trũng, thấp, các khu đô thị.
Để chủ động ứng phó với mưa lũ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, Chống Thiên tai-Ủy ban Quốc gia Ứng phó Sự cố Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn yêu cầu các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại; triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.
Các tỉnh, thành phố tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn; sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất; thu hoạch sớm sản phẩm đến kỳ thu hoạch, đặc biệt là đối với nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt và khu vực ven biển; phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp.
Các địa phương kiểm tra, rà soát, triển khai phương án vận hành và đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ, tăng cường bản tin dự báo, cảnh báo và thông tin kịp thời về diễn biến mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập thủy lợi, nhất là công trình xung yếu, đang thi công; bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Bộ Công Thương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hầm lò, khu khai thác khoáng sản; an toàn hồ đập thuỷ điện và hạ du khi xả lũ, nhất là các thuỷ điện nhỏ.
Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn giao thông khu vực bị ngập sâu, chia cắt; chỉ đạo khắc phục kịp thời sự cố, đảm bảo giao thông trên các trục chính.
Các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến mưa lũ đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.
Các bộ, ngành, địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, Chống Thiên tai và Uỷ ban Quốc gia Ứng phó Sự cố Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn.
NGUYỄN THI (tổng hợp)