Viêm nha chu - Thủ phạm gây tiêu xương răng

Thứ Sáu, 27/10/2023, 17:08 [GMT+7]
In bài này
.

Viêm nha chu là bệnh nhiễm trùng nướu răng gây ra bởi vi khuẩn cùng một số vi sinh vật bám trên bề mặt răng và quanh chân răng. Đây được xem là bệnh mạn tính, làm tổn thương răng, xương hàm khiến sức nhai của người bệnh suy giảm, chưa kể nhiều biến chứng khác nếu không được điều trị đúng cách.

Nếu không chữa trị, nha chu sẽ phá hủy răng, nướu và xương hàm.
Nếu không chữa trị, nha chu sẽ phá hủy răng, nướu và xương hàm.

Phân biệt viêm nướu răng và viêm nha chu

Viêm nướu xảy ra trước khi viêm nha chu, nó chỉ giới hạn ở đường viền nướu răng, các cấu trúc giữ răng vẫn chưa bị mất trong khi viêm nha chu dẫn đến tiêu xương hàm, dây chằng nha chu và xương chân răng. Khoảng 90% người bị viêm nướu là do mảng bám vi khuẩn tích tụ trên bề mặt răng. Dấu hiệu của viêm nướu bao gồm nướu sưng đỏ, chảy máu khi đánh răng nhưng răng không lung lay. Lâu dài mảng bám hình thành cao răng. Nếu không được điều trị, viêm nướu sẽ tiến triển thành viêm nha chu.

Với viêm nha chu, nướu và xương bị tiêu đi, tạo thành các túi ở chân răng. Chân răng ngày càng lộ ra ngoài, các mảnh vụn tích tụ trong khoảng trống giữa nướu và răng gây nhiễm trùng.

Lúc đã bị viêm nha chu, hệ thống miễn dịch trong cơ thể sẽ tấn công vi khuẩn khi mảng bám lan ra bên dưới đường viền nướu vào các túi. Điều này dẫn đến việc giải phóng độc tố khiến xương và các mô liên kết neo giữ răng bắt đầu bị phá vỡ, răng bị lung lay và rụng.

Các yếu tố gây viêm nha chu và cách điều trị

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ viêm nha chu gồm viêm lợi, hút hoặc nhai thuốc lá, sử dụng các chất ma túy, dinh dưỡng kém, thay đổi nội tiết tố liên quan đến mang thai hoặc mãn kinh, mắc các bệnh làm giảm khả năng miễn dịch (bệnh bạch cầu, HIV/AIDS, ung thư, tiểu đường..), chăm sóc răng miệng kém.

Viêm nha chu cũng có thể lây từ người này sang người khác. Nước bọt (nước miếng) chứa vi khuẩn gây bệnh viêm nha chu sẽ lây nếu uống chung ly, hôn môi hoặc ăn chung thức ăn với người bệnh (chẳng hạn như ăn chung ổ bánh mì, uống chung ly nước…).

Khi đã có những dấu hiệu nghi ngờ bị viêm nha chu, cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám. Nha sĩ hoặc bác sĩ răng - hàm - mặt sẽ sử dụng một đầu dò đặc biệt (được gọi là đầu dò nha chu) để chẩn đoán xác định. Bên cạnh đó, người bệnh sẽ được cho chụp X quang răng nhằm đánh giá thương tổn, ước tính mức độ nghiêm trọng của tình trạng mất xương, xét nghiệm vi sinh nhằm tìm ra vi khuẩn gây bệnh.

Điều trị viêm nha chu chủ yếu là dùng thuốc kháng sinh, cạo vôi và làm sạch gốc răng, làm nhẵn chân răng ngăn mảng bám và vi khuẩn tích tụ. Sau khoảng 1 tháng, người bệnh cần gặp lại bác sĩ để xem việc điều trị hiệu quả như thế nào.

Trường hợp nha chu viêm nặng, bác sĩ sẽ chỉ định phẩu thuật làm sạch chân răng, ghép xương răng nếu bị mất nhiều xương. Xương ghép có thể là xương của chính người bệnh hoặc vật liệu tổng hợp. Mảnh ghép khi ấy có vai trò như một giá đỡ giúp xương mới phát triển.

Trường hợp viêm nha chu khiến mô nướu bị kéo ra khỏi răng, gây tụt nướu, lộ chân răng, bác sĩ sẽ tiến hành ghép nướu. Người bệnh được đặt một mảnh mô chung quanh răng bị ảnh hưởng và khâu nó vào đúng vị trí. Mô ghép nướu có thể lấy từ mô vòm miệng của người bệnh. Nó giúp bao phủ chân răng, cải thiện thẩm mỹ lúc há miệng hoặc khi cười đồng thời làm giảm nguy cơ tụt lợi thêm nữa.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể lấy huyết tương giàu tiểu cầu từ mẫu máu của người bệnh. Mẫu máu này được quay ly tâm để tách huyết tương ra khỏi các tế bào hồng cầu và bạch cầu. Sau đó, đặt huyết tương giàu tiểu cầu vào những vùng bị mất xương hoặc mô nướu để kích thích sự phát triển xương mới.

Để phòng ngừa viêm nha chu, mọi người cần đánh răng với các loại kem có chất fluor mỗi ngày 2 lần, sáng và tối, mỗi lần khoảng 2 phút, thay bàn chải đánh răng nếu lông bị xơ hoặc mòn. Bỏ thuốc lá, hạn chế bia rượu, ăn nhiều trái cây, uống đủ nước mỗi ngày từ 1,5 đến 2 lít, kiểm soát đường huyết nếu bị tiểu đường… Nếu có điều kiện, nên kiểm tra răng miệng mỗi năm 1 hoặc 2 lần nhằm phát hiện sớm các bệnh răng miệng.

Bs MINH QUỐC
(Phòng khám Nha khoa Bs Quốc, TP.HCM)

;
.