Phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh

Chủ Nhật, 15/10/2023, 21:24 [GMT+7]
In bài này
.

Liên quan đến việc Sở GD-ĐT TP.Hồ Chí Minh vừa yêu cầu GV không “kiểm tra bất chợt đầu giờ” gây xôn xao dư luận trong những ngày qua, phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT về vấn đề đổi mới kiểm tra, đánh giá HS.

Phóng viên: Sở GD-ĐT TP.Hồ Chí Minh đã yêu cầu các nhà trường không được “kiểm tra bất chợt đầu giờ”. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

- Bà Trần Thị Ngọc Châu: Chỉ đạo này gây chú ý vì nó khác với cách kiểm tra đánh giá HS “truyền thống”. Tuy nhiên, thực tế, việc đổi mới kiểm tra, đánh giá HS đã được ngành giáo dục thực hiện từ nhiều năm nay. Chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP.Hồ Chí Minh đúng với tinh thần đổi mới kiểm tra đánh giá HS theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT.

Ngành GD-ĐT tỉnh đã đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực của HS. Trong ảnh: HS tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024.
Ngành GD-ĐT tỉnh đã đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực của HS. Trong ảnh: HS tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024.

Dù “hỏi-đáp” là một trong những phương pháp được sử dụng trong đánh giá thường xuyên, song việc “kêu bất chợt, hỏi đột xuất” có thể khiến HS phải chịu những áp lực về tâm lý, nhất là những HS nhút nhát, thiếu tự tin. Việc làm không giúp các em rèn luyện tâm lý, cải thiện khả năng đứng trước đám đông và khiến năng lực không được phản ánh đúng. Tuy nhiên, cũng không thể phủ định, phương thức này vẫn có tác dụng đối với một bộ phận HS.

Hiện nay, trong đánh giá thường xuyên, GV được giao quyền chủ động trong việc lựa chọn phương thức, cũng như số lần kiểm tra, đánh giá HS. Thậm chí, GV được chọn một số lần kiểm tra, đánh giá phù hợp với tiến trình dạy học theo kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn, ghi kết quả đánh giá vào sổ theo dõi và đánh giá HS để sử dụng trong việc đánh giá kết quả học tập môn học. Tuy nhiên, mỗi GV cần đặc biệt chú ý, cân nhắc sử dụng phương pháp phù hợp với từng đối tượng HS để các em có thể phát huy hết năng lực. Đó cũng là thể hiện “cái tâm” của mỗi thầy cô giáo trong việc đánh giá HS.

Bà có thể nói rõ hơn về đặc trưng của việc đổi mới kiểm tra, đánh giá HS?

- Trước đây, việc kiểm tra, đánh giá thường chỉ được coi là công cụ để đánh giá kết quả học tập của HS và chủ yếu tập trung vào việc đánh giá kiến thức, kỹ năng của các em. Còn việc kiểm tra, đánh giá theo hướng đổi mới lại tập trung vào tiếp cận năng lực của HS. Nghĩa là đánh giá khả năng HS vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào giải quyết vấn đề thực tiễn của cuộc sống. Kiểm tra, đánh giá là một quá trình nhằm thu thập thông tin, ghi nhận sự tiến bộ của HS trong quá trình học tập. 

Yêu cầu đặt ra là phải đánh giá căn cứ vào yêu cầu cần đạt được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông, bảo đảm tính chính xác, toàn diện, công bằng, trung thực và khách quan. Đánh giá bằng nhiều phương pháp, hình thức, kỹ thuật và công cụ khác nhau, kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ. Đặc biệt là đánh giá vì sự tiến bộ của HS, coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong rèn luyện và học tập của từng HS so với chính bản thân các em chứ không phải để so sánh HS với nhau.

Nói chung, việc đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm hướng tới mục tiêu động viên, khích lệ, tạo cơ hội cho HS vươn lên trong học tập chứ không phải tạo sức ép để các em phải học vì điểm số. Đổi mới kiểm tra, đánh giá còn tạo điều kiện để GV đồng hành cùng HS, dạy học theo hướng cá thể hóa, đưa ra giải pháp cho từng em trong học tập và điều chỉnh hoạt động dạy học.

Việc đổi mới kiểm tra, đánh giá đã được ngành GD-ĐT tỉnh thực hiện như thế nào, thưa bà?

- Tại Bà Rịa- Vũng Tàu, việc đổi mới kiểm tra, đánh giá HS chính thức được thực hiện từ 3-4 năm nay. Tuy nhiên, từ năm 2015, ngành GD-ĐT tỉnh đã tiếp cận dần với việc đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực HS. Ngành giáo dục tỉnh nói chung, các cơ sở giáo dục và bản thân mỗi GV nói riêng đã tích cực, chủ động trong việc đổi mới cách ra đề cũng như phương thức, nội dung kiểm tra, đánh giá.

Trong đánh giá thường xuyên, GV được giao quyền chủ động thông qua các hình thức hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập. Trong đánh giá định kỳ, ma trận đề được xây dựng trên tinh thần giảm kiến thức mang tính học thuộc lòng, tăng cường các câu hỏi vận dụng. Kiểm tra định kỳ được thực hiện bằng hình thức trắc nghiệm, tự luận hoặc kết hợp giữa trắc nghiệm với tự luận.

Cấu trúc ma trận đề có sự phân hóa kiến thức theo định hướng chung theo tỷ lệ 40% nhận biết, 30% thông hiểu, 20% vận dụng và 10% vận dụng cao. Trong đó lưu ý câu hỏi kiểm tra được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của HS. Sở GD-ĐT yêu cầu nhà trường chỉ đạo các tổ nhóm chuyên môn xây dựng đề cương ôn tập và ma trận ra đề kiểm tra chung toàn trường và thông báo đến toàn thể HS và phụ huynh HS, đăng công khai toàn bộ các đề cương ôn tập trên hệ thống website của nhà trường trước khi tiến hành kiểm tra.

Bên cạnh đó, việc đổi mới kiểm tra, đánh giá cũng được đưa vào để đánh giá bài dạy của GV. 1 trong 4 tiêu chí đánh giá kế hoạch bài dạy là “Mức độ phù hợp của phương án kiểm tra, đánh giá trong quá trình tổ chức hoạt động học của HS”. Đặc biệt, tiêu chí đánh giá hoạt động của GV trong bài giảng còn chú trọng tới “Mức độ chính xác, hiệu quả trong việc tổng hợp, phân tích, đánh giá quá trình và kết quả học tập của HS”.

Hàng năm, Sở GD-ĐT tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, GV về kiểm tra, đánh giá. Ngay trong tháng 10 này, cán bộ, GV được tập huấn những vấn đề mới về kiểm tra, đánh giá phẩm chất năng lực của HS; những vấn đề cơ bản về hình thức, phương pháp, kỹ thuật và công cụ thường sử dụng trong kiểm tra, đánh giá để phát triển phẩm chất, năng lực người học và xây dựng ma trận, bản đặc tả về kiểm tra, đánh giá môn học.

Tôi tin rằng những giải pháp ngành GD-ĐT đã thực hiện sẽ từng bước giúp cho việc kiểm tra, đánh giá HS nói riêng và đổi mới GD-ĐT nói chung dần đi vào thực chất và đúng nghĩa!

Cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

HẢI BÌNH (Thực hiện)

;
.