Nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững

Chủ Nhật, 29/10/2023, 18:58 [GMT+7]
In bài này
.

Với nhiều chương trình, chính sách được triển khai, hàng ngàn hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Gia đình chị Lê Thị Hạnh (xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức) từng bước thoát nghèo nhờ chăn nuôi dê.
Gia đình chị Lê Thị Hạnh (xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức) từng bước thoát nghèo nhờ chăn nuôi dê.

Thoát nghèo từ chăn nuôi

Từ một xã thuần nông, đời sống người dân nhiều khó khăn, xã Bình Giã trở thành điểm sáng của huyện Châu Đức trong thực hiện chương trình giảm nghèo. Đời sống của người dân ngày một khấm khá, số hộ nghèo giảm dần theo từng năm. Những ngôi nhà cao tầng san sát cho thấy, phong trào giảm nghèo đạt hiệu quả cao.

Gia đình chị Nguyễn Thị Liên là một trong những điển hình thoát nghèo từ mô hình chăn nuôi dê của xã Bình Giã. Không có đất sản xuất, kinh tế khó khăn, năm 2019, gia đình chị Liên được hỗ trợ tham gia mô hình chăn nuôi dê. Từ 4 con dê giống được hỗ trợ, đến nay, đàn dê của gia đình chị đã phát triển lên 50 con. Cùng với hỗ trợ giống, kỹ thuật, chị Liên được vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi để đầu tư thêm chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi. Từ cảnh phải chạy ăn từng bữa, chỉ sau 2 năm, gia đình chị Liên đã vươn lên thoát nghèo. Chị Liên chia sẻ: “Mỗi năm, tôi thu về khoảng 100 triệu đồng từ mô hình nuôi dê. Tôi dự tính sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi để tăng thu nhập, có thêm tiền lo cho con cái ăn học”.

Số hộ nghèo, cận nghèo tại các xã Xuân Sơn, Suối Rao… của huyện Châu Đức cũng đã giảm mạnh theo từng năm. Gia đình chị Lê Thị Hạnh (xã Xuân Sơn) không có đất sản xuất, cũng không có vốn làm ăn nên vợ chồng chị phải đi làm thuê, thu nhập bấp bênh. Năm 2016, anh chị được hỗ trợ vay ưu đãi 40 triệu đồng tham gia mô hình chăn nuôi dê và bò. Sau vài năm, vợ chồng chị đã gây được đàn dê 40 con và 5 con bò. Anh chị còn được hỗ trợ nhà ở. Có nhà, có sinh kế, gia đình chị từng bước thoát nghèo. “Nhờ được hỗ trợ mô hình chăn nuôi và hưởng các chính sách ưu đãi hộ nghèo, đến năm 2020, gia đình tôi đã thoát nghèo”, chị Hạnh nói.

Ông Trần Đình Toàn, Phó Trưởng Phòng LĐTBXH huyện Châu Đức cho biết, mô hình nuôi dê được triển khai thử nghiệm tại 2 hộ nghèo trên địa bàn vào năm 2018 đã cho hiệu quả cao. Đây là một trong những mô hình trọng điểm được huyện Châu Đức triển khai nhân rộng để giảm nghèo. Tham gia mô hình, mỗi hộ được hỗ trợ 3-4 con dê giống; được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, làm chuồng trại. Hiện nay, huyện Châu Đức có hàng trăm hộ chăn nuôi dê với khoảng 80.000 con. Quy mô được mở rộng tại 16/16 xã, thị trấn.

Sự quyết liệt trong triển khai

Những năm qua, Bà Rịa-Vũng Tàu đã triển khai nhiều mô hình giảm nghèo, với nhiều ngành nghề từ trồng trọt, chăn nuôi đến tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh, buôn bán nhỏ... Các hộ nghèo cũng được hỗ trợ đào tạo nghề để có việc làm phù hợp.

Huyện Châu Đức từng có tỷ lệ hộ nghèo khá cao. Ông Trần Đình Toàn cho biết, xác định phát triển kinh tế là giải pháp căn cơ, huyện tập trung phát triển các mô hình trồng trọt và chăn nuôi tiềm năng. Ngoài nguồn vốn từ ngân sách, huyện còn huy động nhiều nguồn lực trong xã hội để giúp hộ nghèo tăng nguồn vốn, triển khai mô hình hiệu quả. Với sự hỗ trợ của chính quyền và sự nỗ lực của hộ nghèo, đến cuối năm 2022, huyện Châu Đức không còn hộ nghèo chuẩn quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo chuẩn tỉnh giảm còn 1,51% dân số. Huyện Châu Đức đang phấn đấu đến cuối năm 2023 không còn hộ nghèo theo chuẩn tỉnh.

Từ năm 2021 đến nay, Bà Rịa-Vũng Tàu đã xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ trực tiếp về vốn, cây, con giống, phương tiện sản xuất cho gần 500 hộ nghèo, với tổng số tiền gần 5,3 tỷ đồng. Với hình thức đầu tư trực tiếp, các mô hình giúp hộ nghèo có phương tiện sản xuất, mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững, tiến tới thoát nghèo bền vững.

Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh triển khai 9 mô hình giảm nghèo với hơn 320 lượt hộ nghèo tham gia. Từ dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững” gần 3.000 người được tập huấn về kinh nghiệm phát triển sản xuất… Các dự án đã tạo việc làm tại chỗ và việc làm thêm cho hàng ngàn người nghèo. Nhờ đó, đến cuối năm 2022, Bà Rịa-Vũng Tàu không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia, số hộ nghèo theo chuẩn tỉnh giảm còn 1,51%, về đích sớm và vượt 0,52% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra cho cả giai đoạn 2022-2025.

Bên cạnh đó, dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo” thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được ngân sách Nhà nước bố trí vốn hằng năm cũng góp phần không nhỏ trong công tác giảm nghèo. Đối tượng thụ hưởng từ dự án là hộ nghèo, cận nghèo. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, hộ mới thoát nghèo trong vòng 3 năm tiếp tục được hỗ trợ để phát triển kinh tế, tránh tái nghèo. Trong giai đoạn 2022-2025, mỗi năm tỉnh dành khoảng 3 tỷ đồng để thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo. Ngoài ra, các địa phương cũng huy động nguồn lực trong xã hội để nhân rộng mô hình.

Bà Nguyễn Vân Anh, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, cùng với các giải pháp khác, dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững” đã được triển khai quyết liệt và mang lại hiệu quả tích cực. Việc nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả đã góp phần giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, cải thiện đời sống người dân. Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục nhân rộng các mô hình giảm nghèo và đặt mục tiêu đến cuối năm 2023 cơ bản không còn hộ nghèo đa chiều theo chuẩn của tỉnh với tỷ lệ tương ứng 0,44%/hơn 1.400 hộ. Cùng với đó, tỉnh cũng chú trọng giúp các hộ mới thoát nghèo có thu nhập ổn định để không tái nghèo.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

;
.