.

Khởi nghiệp thành công với xưởng chế biến hạt điều

Cập nhật: 18:58, 17/10/2023 (GMT+7)

Nhờ mạnh dạn vay vốn đầu tư, chị Nguyễn Thị Thúy Vân (SN 1982, ngụ xã Long Phước, TP.Bà Rịa) đã khởi nghiệp thành công với mô hình "Xưởng gia công hạt điều Thúy Vân", tạo việc làm cho nhiều phụ nữ nông thôn.

Chị Thuý Vân (trái) bóc hạt điều cùng lao động nữ.
Chị Thuý Vân (bên trái) bóc hạt điều cùng lao động nữ.

Dẫn chúng tôi tham quan xưởng hạt điều, chị Thúy Vân tâm sự: “Nhận thấy hạt điều là một trong những sản phẩm nông nghiệp dồi dào nên tôi đã quyết tâm học hỏi, khởi nghiệp với hạt điều”.

Từng là công nhân chế biến hạt điều, sẵn có kinh nghiệm cùng với định hướng khởi nghiệp và được sự ủng hộ từ các thành viên trong gia đình, chị mạnh dạn vay vốn đầu tư máy móc, nguyên liệu để sản xuất. Năm 2013, với số tiền 400 triệu đồng do Hội LHPN xã Long Phước giới thiệu, hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, chị đã xây dựng Xưởng hạt điều mang thê Thúy Vân và ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Cao Phát cung cấp hạt điều còn vỏ để gia công.

Sau khi xưởng đi vào hoạt động ổn định, nhận thấy nhu cầu khách hàng ngày càng tăng, chị tiếp tục đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất. Nhờ uy tín, chất lượng hạt điều tốt đã giúp sản phẩm tiếp cận được thị trường, ổn định đầu ra. Mỗi tháng, xưởng hạt điều của chị gia công từ 40 tấn hạt điều trở lên.

Xưởng hạt điều Thúy Vân đang tạo việc làm cho 10 công nhân với thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.
Xưởng hạt điều Thúy Vân tạo việc làm cho 10 công nhân với thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.

“Đây là sản phẩm cao cấp và các công ty đều xuất đi nước ngoài. Ban đầu không có vốn, tôi chỉ làm nhỏ lẻ. Sau này, nhờ uy tín và tạo sự tin tưởng từ bạn hàng, nhu cầu ngày càng lớn, nên số lượng đơn hàng tăng lên. Nhờ đó, xưởng đã hỗ trợ cho nhiều chị em có việc làm, thu nhập ổn định”, chị Thúy Vân chia sẻ. 

Hiện nay, Xưởng hạt điều Thúy Vân đang tạo việc làm cho 10 công nhân với thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Chị Trần Thị Thanh Lan, công nhân cho biết: “Trước kia, tôi ở nhà nội trợ, kinh tế khó khăn. Làm việc cho xưởng sản xuất hạt điều từ những ngày đầu, tôi có thêm đồng ra đồng vào để trang trải cuộc sống. Công việc khá nhẹ nhàng, mức lương ổn định, phù hợp với chúng tôi”.

Xưởng hạt điều Thúy Vân là mô hình khởi nghiệp được Hội LHPN xã Long Phước đăng ký thực hiện. Đến nay, mô hình mang lại hiệu quả tích cực, mở ra cơ hội việc làm, giúp nhiều phụ nữ trên địa bàn tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. 

Bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Long Phước

Cùng với tạo việc làm cho lao động nữ trực tiếp ở xưởng, chị Thúy Vân còn tạo điều kiện cho gần 200 phụ nữ trên địa bàn xã Long Phước, xã Hòa Long tăng thêm thu nhập bằng cách nhận hạt điều về nhà cạo vỏ lụa. Mỗi lao động được tạo việc làm và thu nhập với mức từ 700-800 ngàn đồng/tuần/người. Bà Lê Thị Hướng, ấp Phước Hữu, xã Long Phước cho biết, ngoài 60 tuổi, bà không thể tìm được công việc phù hợp để cải thiện thu nhập. Từ khi được giới thiệu nhận hạt điều về nhà cạo vỏ lụa, bà có thêm khoảng 800 ngàn đồng/tuần để trang trải cuộc sống. 

Tương tự, bà Nguyễn Thị Huệ, ấp Nam, xã Long Phước cho biết: “Trước tui đi làm cỏ thuê cho người ta kiếm sống. Từ khi bị đau khớp, tui không thể đi làm. Cũng may, xưởng của vợ chồng cô Vân cho lãnh hạt điều về nhà làm nên tôi có tiền mua gạo, thức ăn. Bà con chúng tôi biết ơn vợ chồng cô Vân nhiều lắm”.

Chị Thúy Vân chia sẻ, thấy nhiều chị em phụ nữ không có việc làm, cuộc sống khó khăn nên chị tạo điều kiện để họ vừa có công ăn việc làm, vừa có thời gian chăm sóc gia đình, đưa rước con cái đi học. 

Với thành công từ mô hình khởi nghiệp, chị Nguyễn Thị Thúy Vân là tấm gương hội viên phụ nữ tiêu biểu trong phát triển kinh tế, hỗ trợ chị em có thêm thu nhập. Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị còn là người có tấm lòng nhân ái, luôn hỗ trợ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, tích cực tham gia các hoạt động và phong trào phụ nữ tại địa phương.

Bài, ảnh: MAI LIÊN

 

.
.
.