.

Học sinh hào hứng học sử tại bảo tàng

Cập nhật: 19:28, 20/10/2023 (GMT+7)

Lần đầu tiên Bảo tàng tỉnh (Sở VH-TT) phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức chương trình “Giáo dục di sản” dành cho HS trên toàn tỉnh. Chương trình không chỉ khơi gợi sự hứng thú tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, di sản của tỉnh nhà mà còn hướng đến mỗi HS là một tuyên truyền viên giới thiệu di sản của tỉnh đến công chúng và du khách. 

Các em HS Trường THCS Ngô Sỹ Liên tham gia nghe thuyết minh viên giới thiệu về địa đạo Long Phước và trải nghiệm không gian trưng bày địa đạo Long Phước tại Bảo tàng tỉnh.
Các em HS Trường THCS Ngô Sỹ Liên tham gia nghe thuyết minh viên giới thiệu về địa đạo Long Phước và trải nghiệm không gian trưng bày địa đạo Long Phước tại Bảo tàng tỉnh.

Đến với khu trưng bày, tái hiện địa đạo Long Phước tại Bảo tàng tỉnh, các em HS tại các trường THCS trên địa bàn TP. Vũng Tàu hào hứng khi vừa được nghe vừa được xem các mô hình tái hiện, giới thiệu về lịch sử hình thành, phát triển của địa đạo Long Phước và những cuộc chiến đấu của các chiến sĩ cách mạng. 

Tiếp đó, các em nối hàng dài di chuyển vào trong lòng hầm địa đạo phục dựng tại bảo tàng. Trong hầm tối với ánh đèn leo lét khiến các em có cảm giác vừa run sợ vừa thích thú tò mò với những mô hình tái hiện những mảng cuộc sống sinh hoạt hằng ngày vô cùng gian khổ của chiến sĩ cách mạng trong hầm địa đạo này.

Rời khỏi hầm địa đạo, em Hồ Ngọc Hà (Lớp 8/8, Trường THCS Ngô Sỹ Liên, TP. Vũng Tàu) vẫn còn hồi hộp chia sẻ: “Em cảm giác ngộp thở và rùng mình khi đi vào hầm địa đạo, dù đây chỉ là mô hình. Em không dám tưởng tượng nếu là địa đạo thật thì sẽ kinh khủng đến nhường nào. Riêng điều đó cũng cho em cảm thấy quá khâm phục trước ý chí chịu đựng gian khổ của các chiến sĩ cách mạng”. 

Các em còn được giao lưu với nhân chứng lịch sử từng tham gia đào địa đạo Long Phước là bà Nguyễn Thị Hồng Minh. Qua câu chuyện đào hầm thấm đẫm mồ hôi, nước mắt, cả máu thịt... được bà Minh kể lại, các em càng thêm thấu hiểu và trân trọng sự hy sinh của những chiến sĩ cách mạng. Em Mai Ngọc Anh Thư (Lớp 6.8, Trường THCS Trần Phú, TP. Vũng Tàu) bày tỏ: “Buổi trải nghiệm ngày hôm nay rất thú vị và bổ ích, giúp con hiểu biết thêm về lịch sử, quê hương để yêu và tự hào về truyền thống của nơi mình sinh ra và gắn bó”.

HS Trường THCS Trần Phú, TP. Vũng Tàu tham quan hiện vật  tại Bảo tàng tỉnh.
HS Trường THCS Trần Phú, TP. Vũng Tàu tham quan hiện vật tại Bảo tàng tỉnh.

Đó cũng là những nội dung chuyên đề tham quan, trải nghiệm và tọa đàm về “Di tích lịch sử địa đạo Long Phước” tại Bảo tàng tỉnh của chương trình Giáo dục Di sản văn hóa cho HS giai đoạn 2023-2026. Chương trình được tổ chức vào thứ Ba và thứ Sáu từ ngày 10 đến 20/10 dành cho gần 500 HS của các trường THCS tại TP. Vũng Tàu gồm: Ngô Sỹ Liên, Võ Văn Kiệt, Trần Phú và Châu Thành. Đây là cách làm mới trong việc giáo dục lịch sử, di sản quê hương cho HS. Từ đó, mở mang kiến thức cho HS về di sản, văn hóa cũng như lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của cha ông, giáo dục thế hệ tương lai trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa quê hương. Đây cũng là khởi điểm để HS trở thành thuyết minh viên giới thiệu lịch sử quê hương nơi mình sinh ra đến bạn bè, người thân và du khách đển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bà Lê Thị Hoài Thư, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sỹ Liên, TP. Vũng Tàu bày tỏ: “Tôi mong rằng hoạt động này sẽ được lan tỏa trong những năm tới. Bởi hình thức giáo dục này lại hiệu quả trong việc truyền đạt các kiến thức lịch sử, bộ môn giáo dục địa phương đối với HS”.

Bà Võ Mai Hoa, Trưởng Phòng Quản lý di tích Bảo tàng tỉnh cho hay, đây là năm đầu tiên, Sở VH-TT phối hợp Sở GD-ĐT triển khai chương trình “Giáo dục di sản” cho HS với 3 chuyên đề: Tham quan, trải nghiệm và tọa đàm về “Di tích lịch sử địa đạo Long Phước” tại Bảo tàng tỉnh; Tham quan trải nghiệm “Pháo đài Phước Thắng-nơi ghi dấu chặng đường đấu tranh giữ nước của quân dân triều Nguyễn” tại di tích lịch sử Bạch Dinh; Tham quan trải nghiệm “Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ mở đất Mô Xoài thế kỷ XVII”. Trong đó, HS được giới thiệu khái quát về nội dung đất nước và con người Bà Rịa-Vũng Tàu, tham gia các trò chơi, giao lưu tìm hiểu lịch sử với nhân chứng lịch sử, biểu diễn các tiết mục văn nghệ nội dung truyền thống cách mạng.

Bài, ảnh: HOÀNG BÁCH

 
.
.
.