"Sinh viên với hội nhập và khởi nghiệp", là chủ đề của diễn đàn do Hội SV Việt Nam tỉnh tổ chức cuối tuần qua. Diễn đàn đã thu hút hơn 200 SV tiêu biểu trên địa bàn tỉnh và 30 SV Lào-Campuchia đang theo học tại các trường trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh tham gia.
Sinh viên Trường CĐ Sư phạm Bà Rịa-Vũng Tàu đóng góp ý kiến về chủ đề "Sinh viên với hội nhập" tại diễn đàn. |
Chủ động tạo cơ hội
Bạn Trương Thị Hướng Dương, SV năm cuối Trường CĐ Sư phạm Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, rào cản lớn nhất của SV trong quá trình hội nhập chính là ngôn ngữ. Trong quá trình giao lưu, sinh hoạt với SV ở nhiều trường CĐ, ĐH khác hoặc ra ngoài xã hội, nhiều bạn SV không tự tin về khả năng ngoại ngữ mà bỏ lỡ cơ hội thể hiện bản thân.
"Để khắc phục điều này, các bạn SV cần chủ động tạo cơ hội để bản thân được giao tiếp nhiều hơn bằng việc tham gia các CLB tiếng Anh, tiếp xúc với người nước ngoài. Khi học ngôn ngữ của một quốc gia nào đó, văn hóa của họ chính là một kho tàng để tìm ra chủ đề nói chuyện nhanh nhất, có sự gắn kết chặt chẽ nhất", Dương chia sẻ.
Trong công cuộc chuyển đổi số, để trở thành một công dân toàn cầu thì công dân đó phải có "năng lực số". Những giải pháp nào giúp thanh niên cải thiện tốt năng lực này? Câu hỏi của SV người Lào Boulom Thipphasone, Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.Hồ Chí Minh) cũng là băn khoăn của nhiều bạn SV khi đứng trước ngưỡng cửa hội nhập.
Chia sẻ vấn đề này, SV Huỳnh Đăng Khôi, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng có thể ứng dụng chuyển đổi số ngay trong công việc hằng ngày, trong sinh hoạt Đoàn, Hội. Đó là sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền các hoạt động; sinh hoạt qua phần mềm zoom, google meet, họp trực tuyến… "Nổi bật nhất phải kể đến là công trình thanh niên số hóa địa chỉ đỏ được Hội SV Việt Nam tỉnh đặt tại Công viên Tượng đài Anh hùng Võ Thị Sáu và bàn giao cho Huyện Đoàn Đất Đỏ. Ứng dụng chuyển đổi số giúp chúng ta bắt kịp xu hướng của người trẻ để tạo ra nhiều giá trị lan tỏa thông điệp tích cực", Đăng Khôi cho hay.
Nhiều cơ hội khởi nghiệp
Chia sẻ về bí quyết khởi nghiệp, anh Trần Văn Thức, Chủ tịch Hội SV Việt Nam Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, trong khởi nghiệp phải có kiến thức, kinh tế và mối quan hệ. Mỗi ngành nghề đều có áp lực nhất định và được đánh giá bằng đồng lương được nhận. Theo anh Thức, những năm qua, hàng ngàn DN đã phải đóng cửa. Tuổi trẻ có nhiều cơ hội để thay đổi nếu chọn việc làm chưa phù hợp. Tuy nhiên, nếu sai lầm trong tư duy và định hướng khởi nghiệp, bạn trẻ rất dễ mất cân bằng trong cuộc sống và gục ngã.
“Hàng năm, UBND tỉnh, tổ chức Đoàn, Hội tổ chức nhiều cuộc thi để định hướng, cung cấp thêm kiến thức, hướng dẫn cho SV trong lĩnh vực khởi nghiệp. SV hãy mạnh dạn tham gia các cuộc thi, trau dồi kiến thức và sẵn sàng ghi nhận những góp ý từ các doanh nhân, người đi trước để khởi nghiệp thành công” anh Thức nói.
Anh Thôi Đại Việt, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội SV Việt Nam tỉnh cho rằng bạn trẻ phải có nền tảng, kiến thức để khởi nghiệp chứ không phải làm theo phong trào, không tham gia các cuộc thi chỉ để tô vẽ và dừng lại ở ý tưởng. Người trẻ phải biến ý tưởng thành hiện thực bằng cách có thể nhờ các tổ chức Đoàn, Hội với các kênh như: OBC, Quỹ hỗ trợ thanh niên, Vườn ươm khởi nghiệp… giúp đỡ. Tổ chức Hội sẽ hỗ trợ hướng đi, chính sách, phương thức để vạch ra lộ trình tốt nhất.
"Tôi luôn mong muốn các bạn trẻ khi khởi nghiệp hãy sẵn sàng tâm lý đón nhận thất bại với phương châm “Thất bại là mẹ của thành công” để mạnh dạn thực hiện ước mơ, ý tưởng của bản thân và khẳng định vai trò của SV không chỉ là nguồn tri thức trẻ trong lĩnh vực giáo dục mà còn trong nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế đất nước", anh Việt nói.
Bài, ảnh: MAI NGỌC