Ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong do tay chân miệng
Chiều 15/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh thông tin, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong do bệnh tay chân miệng. Đây là trường hợp tử vong thứ hai của tỉnh kể từ đầu năm đến nay.
Người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy để phòng ngừa bệnh tay chân miệng. |
Trường hợp này là bệnh nhi nam, SN 2019, ở huyện Đất Đỏ. Sáng 7/10, người nhà đưa bệnh nhi đến TTYT huyện Đất Đỏ nhập viện trong tình trạng sốt 39 độ, nôn ói, da nổi bông, toàn thân chi lạnh, nhịp thở 22 lần/phút, SPO2 96%. Trước khi vào viện, bé còn lên cơ co giật.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân sốt cao co giật, theo dõi nhiễm trùng tiêu hóa và thực hiện các phương pháp điều trị ban đầu. Không bao lâu, bệnh nhi lên cơn co giật lần hai, gồng cứng toàn thân, tăng tiết đờm, khò khè, phổi âm thô và được chuyển lên Bệnh viện Bà Rịa. Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán sốc giảm thể tích, nhiễm trùng tiêu hóa, theo dõi viêm não và tay chân miệng mức độ 4.
Bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản, kháng sinh, chống sốc và vận mạch nhưng tình trạng bệnh vẫn nặng. Khoảng 13 giờ cùng ngày, bệnh nhân tiếp tục chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.Hồ Chí Minh). Bác sĩ bệnh viện này chẩn đoán, bệnh nhi ngưng tim, ngưng thở trước khi nhập viện, viêm não cấp, sốc thần kinh, tổn thương đa cơ quan như gan, thận, tim, thần kinh. Người nhà xin đưa bệnh nhân về vào lúc 21 giờ 30 cùng ngày và tử xong sau đó. Kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh cho thấy, người bệnh bị tay chân miêng do chủng Enterovirut.
Theo CDC tỉnh, từ đầu năm đến ngày 15/10, toàn tỉnh ghi nhận hơn 2.730 ca mắc tay chân miệng, 298 ổ dịch. Trong đó có 2 ca tử vong. Cùng với ca bệnh này, trước đó hồi tháng 7, tỉnh cũng có 1 bệnh nhi nam, SN 2021, ở TX.Phú Mỹ tử vong do tay chân miệng.
Trước tình hình phức tạp của tay chân miệng, CDC tỉnh khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh như: Rửa tay thường xuyên với xà phòng dưới vòi nước chảy; ăn chín, uống sôi; thường xuyên vệ sinh nơi ở, dụng cụ thường dùng bằng chất tẩy thông thường; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ bệnh; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh.
Tin, ảnh: HỒNG PHƯƠNG