Điều trị mụn mủ ở đầu trẻ em

Thứ Sáu, 13/10/2023, 17:40 [GMT+7]
In bài này
.

Hỏi: Tôi có đứa cháu 4 tuổi, gần đây trên đầu nó nổi nhiều mụn có mủ. Tôi đã mua thuốc cho nó uống và bôi theo hướng dẫn của nhà thuốc Tây nhưng không bớt. Xin bác sĩ cho biết đó là bệnh gì và tôi phải chữa trị cho cháu như thế nào?

(Chị Thùy Linh, Bình Ba, Châu Đức)

Trả lời: Trẻ nổi mụn mủ trên đầu là hiện tượng da dầu của trẻ xuất hiện những đốm nhỏ màu trắng hoặc những mụn lớn, sưng và có mủ, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi.

Nguyên nhân gây ra mụn mủ

Da là cơ quan tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố bên ngoài. Theo nghiên cứu của các chuyên gia ngành da liễu, cứ mỗi cm da có hơn 1 triệu vi khuẩn gồm nhiều loại khác nhau, sống nhờ vào những tế bào da chết, bã mồ hôi, bụi bặm bám trên da. Nếu sức khỏe của trẻ ổn định, đề kháng tốt, các loại vi khuẩn này sẽ phát triển ở mức cân bằng nhưng nếu da bị tổn thương hoặc sức đề kháng của trẻ kém, điều kiện vệ sinh kém, vi khuẩn sẽ phát triển tạo thành mụn. Phần lớn các mụn đều gây ngứa khiến phản xạ tự nhiên của trẻ là gãi. Điều này vô tình làm các mụn lan nhanh hơn, dẫn đến nhiễm trùng da đầu.

Mụn mủ trên đầu thường do các vi khuẩn như tụ cầu, virus thủy đậu, virus tay chân miệng… gây ra, trong đó tụ cầu là loại thường gặp nhất. Nếu không được điều trị kịp thời, mụn mủ vỡ ra, vi khuẩn tụ cầu có thể vào não gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Nếu trẻ nổi mụn mủ do virus thủy đậu, ngoài việc xuất hiện mụn toàn thân, nó còn có ở da đầu khiến trẻ sốt, ngứa. Khi trẻ gãi và nếu tay trẻ bẩn, mụn sẽ nhiễm trùng gây mủ.

Ngoài những hiện tượng kể trên, trẻ còn có thể nổi mụn mủ trên đầu do viêm nang lông. Đây là bệnh có liên quan đến sự gia tăng bạch cầu ưa axit, thường thấy ở trẻ dưới 3 tuổi. Khi ấy trẻ rất ngứa, nhất là ở chân tóc, rất dễ hình thành mụn mủ nếu trẻ gãi. Bên cạnh đó, bệnh Miliaria cũng khiến da đầu của trẻ nổi mụn mủ. Với các trẻ bị bệnh Miliaria bẩm sinh, trên vùng đầu, má thường xuất hiện những đốm nhỏ li ti màu đỏ hoặc hồng có chứa nước, đôi khi xen lẫn mụn chứa mủ trắng mà nguyên nhân tuyến mồ hôi, bã nhờn bị bít tắc, gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu cho trẻ nhưng Miliaria là bệnh lành tính và có thể tự khỏi sau vài tuần.

Điều trị mụn mủ

Khi trẻ bị mụn mủ, việc đầu tiên cần làm của các bậc cha mẹ là giữ vệ sinh vùng da đầu của trẻ nhằm tránh lây lan đồng thời giúp trẻ bớt ngứa bằng cách dùng miếng gạc vô trùng (có bán tại các nhà thuốc Tây) nhúng vào nước đã đun sôi, để nguội, rồi lau nhẹ da đầu trẻ. Khi lau tránh chà xát để mụn không vỡ ra. Tuyệt đối không nặn mụn vì một số người tin rằng nếu nặn sạch mủ, mụn sẽ lành. Tuy nhiên điều này lại vô tình tạo điều kiện cho vi khuẩn tán phát khiến mụn nổi nhiều hơn.

Không sử dụng thuốc bôi, thuốc uống nếu không có chỉ định của bác sĩ. Theo dõi tình trạng mụn hàng ngày. Nếu mụn lan rộng, sưng to, có nhiều mủ kèm theo sốt, nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có hướng điều trị thích hợp.

Bs PHƯƠNG MAI
(Phòng khám đa khoa Mai Phương, TP.HCM)

;
.