Chọn nghề theo đam mê hay theo cha mẹ?

Chủ Nhật, 08/10/2023, 21:51 [GMT+7]
In bài này
.

“Cùng bạn chọn nghề cho tương lai”, chương trình do Sở GD-ĐT phối hợp với Tạp chí Giáo dục TP. Hồ Chí Minh, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) tổ chức đang đồng hành cùng hàng chục ngàn HS toàn tỉnh, cung cấp cho các em những hành trang cần thiết để bước vào tương lai.

Ban Tư vấn của chương trình là các chuyên gia đến từ các trường ĐH, CĐ, các chuyên gia tâm lý, dự báo nhân lực.
Ban Tư vấn của chương trình là các chuyên gia đến từ các trường ĐH, CĐ, các chuyên gia tâm lý, dự báo nhân lực.

Công thức chọn ngành nghề

Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hoà An khởi động chương trình hướng nghiệp bằng việc chia sẻ câu chuyện về loài rùa: “Rùa là loại động vật nổi tiếng chậm chạp. Chúng di chuyển chỉ đạt 0,3 km/giờ trên mặt đất. Thế nhưng khi ở dưới nước, chúng lại được sách kỷ lục Guinness năm 1992 ghi nhận là loài bò sát di chuyển nhanh nhất với tốc độ 35,28km/giờ”. TS. Hòa An nhấn mạnh: “Môi trường phù hợp sẽ giúp các em tỏa sáng”.

Để giúp HS lựa chọn môi trường phù hợp, TS. An đưa ra công thức gồm 3 yếu tố: năng lực + sở thích + nhu cầu xã hội. “Nói rõ hơn, đó là những công việc các em có thể làm giỏi hơn người khác, làm việc với sự yêu thích và cũng là ngành mà xã hội tương lai cần”, TS. Hòa An phân tích.

Các chuyên gia của chương trình tư vấn hướng nghiệp cho HS Trường THPT Long Hải - Phước Tỉnh.
Các chuyên gia của chương trình tư vấn hướng nghiệp cho HS Trường THPT Long Hải - Phước Tỉnh.

ThS. Huỳnh Vũ Chi, Trường ĐH Kinh tế TP.Hồ Chí Minh cho biết thêm, nếu chỉ tập trung chọn ngành thì sau này các em sẽ khó khăn khi chọn công việc. Do đó, trước hết, hãy đặt ra câu hỏi: “Sau này bản thân mình muốn làm công việc gì. Sau đó, các em cần tìm hiểu kỹ về nghề nghiệp đó. Thường thì các em chỉ mới nhìn thấy vẻ ngoài hào nhoáng mà chưa quan tâm tới việc tìm hiểu những khó khăn, vất vả của công việc”.

Theo ThS. Huỳnh Vũ Chi, sau khi chọn được nghề nghiệp, các em bắt đầu tìm hiểu muốn làm nghề đó thì học ngành nào, trường nào đào tạo ngành đó, phương thức xét tuyển là gì và bản thân các em có đủ tố chất để theo đuổi hay không.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia Dự báo nhân lực, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong xu thế hội nhập, nguồn nhân lực trẻ muốn có thu nhập cao phải đầu tư về kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, thái độ làm việc và ngoại ngữ. Năng lực bản thân là cơ sở quan trọng nhất trong quá trình phát triển của ngành và nghề. Bên cạnh đó, việc tham khảo nhu cầu nhân lực ở các nhóm ngành nghề sẽ giúp bạn tăng khả năng đón đầu nhu cầu nhân lực của xã hội, thêm cơ hội nghề nghiệp khi ra trường.

Cố gắng tìm tiếng nói chung?

Anh Thư, HS lớp 12D4, Trường THPT Vũng Tàu băn khoăn: “Em nên chọn ngành theo định hướng của cha mẹ hay chọn ngành mình đam mê?”. Một thí sinh khác thì chia sẻ: “Ngành học em dự định đăng ký không được ba mẹ ủng hộ, em nên làm gì?”.

Trả lời câu hỏi này, ThS tâm lý Chế Dạ Thảo cho hay, nếu không tìm được tiếng nói chung với ba mẹ, các em hãy chậm lại và khoan phản ứng. Tuyệt đối không nên có những phản ứng tiêu cực. Bởi lựa chọn ngành nghề nên là việc được sự đồng thuận và hỗ trợ cả tinh thần lẫn vật chất từ phía gia đình. Các em nên suy nghĩ và phân tích hai vấn đề: Tại sao ba mẹ không ủng hộ. Và liệu có lựa chọn nào thỏa mãn cả nguyện vọng của ba mẹ và của bản thân mình.

HS Trường THPT Vũng Tàu đặt câu hỏi cho các chuyên gia trong Ban tư vấn chương trình.
HS Trường THPT Vũng Tàu đặt câu hỏi cho các chuyên gia trong Ban tư vấn chương trình.

Sau khi phân tích, nếu vẫn giữ nguyên lựa chọn của mình, hãy lên kế hoạch thuyết phục ba mẹ. Trước hết, hãy hiểu rõ và trả lời các câu hỏi: Học gì. Học ra làm ở đâu. Thu nhập như thế nào. Cơ hội nghề nghiệp. Đồng thời, phải chứng minh bằng kết quả thực tế là năng lực của các em phù hợp với lựa chọn đó.

Ngoài ra, trong gia đình có ai cùng quan điểm với em hay không. Nếu có, hãy nhờ họ cùng thuyết phục. ThS. Dạ Thảo nhấn mạnh: “Bền bỉ và lâu dài, không thể yêu cầu ba mẹ ngay lập tức thay đổi suy nghĩ, cần có thời gian cho việc này. Trường hợp không tìm được sự đồng thuận, hãy thỏa thuận về sự ưu tiên các nguyện vọng đăng ký”.

Em Trần Văn Lộc, HS lớp 12A1, Trường THPT Long Hải - Phước Tỉnh (huyện Long Điền) đặt câu hỏi: “Nếu em yêu thích một ngành nào đó nhưng năng lực của em có hạn thì em nên làm thế nào”. ThS. Nguyễn Xuân Luyện, Trường ĐH Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH) cho biết, sau khi tốt nghiệp THPT, các em có rất nhiều hướng đi với nhiều bậc học khác nhau, từ sơ cấp, trung cấp tới CĐ, ĐH. Nếu năng lực của các em không đáp ứng để theo học trình độ ĐH, các em có thể lựa chọn các bậc học thấp hơn phù hợp với năng lực của bản thân mình. Sau khi tốt nghiệp các em vẫn có thể làm việc trong lĩnh vực mình yêu thích.

“Lao động muốn giữ vững công việc phải thành thạo một kỹ năng chuyên môn nhất định, lao động đơn giản dần ít cơ hội việc làm và bị đào thải. Người nào muốn làm việc có thu nhập cao đều phải đầu tư về kiến thức, kỹ năng nghề và thái độ làm việc”.
Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia Dự báo nhân lực,
Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP. Hồ Chí Minh

Trong chương trình, nhiều HS đặt ra vấn đề về những ngành nghề có thể bị trí tuệ nhân tạo (AI) thay thế. Ông Trần Anh Tuấn cho hay, những công việc “yêu cầu độ chính xác cao”, “thao tác đơn giản, dễ dàng thực hiện theo hướng dẫn”, “có thể tính toán dựa trên việc hệ thống hóa” là những ngành nghề có nhiều khả năng biến mất. Hiện nay, một số ngành nghề truyền thống như: thu cước, tiếp thị qua điện thoại, trực tổng đài, công nhân dệt may, đánh máy nhập dữ liệu… có dấu hiệu đi xuống do sự thay đổi của công nghệ và quy trình sản xuất - kinh doanh hiện đại. Tuy nhiên, để bỏ hẳn thì còn phải mất một thời gian khá dài.

Còn TS. Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) thì bày tỏ quan điểm: “Những ngành nghề liên quan tới cảm xúc, ngữ cảnh, biểu cảm… thì AI khó có thể thay thế được. Trong thực tế, việc thất nghiệp phần lớn không phải do ngành nghề, mà là do bản thân các em chưa đủ sự nỗ lực”.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

;
.