Biến phế liệu thành đồ chơi độc đáo cho trẻ

Thứ Sáu, 20/10/2023, 19:37 [GMT+7]
In bài này
.

Những mô hình sáng tạo, độc đáo, giúp trẻ nhỏ “học mà chơi, chơi mà học” đã giúp Trường MN Hương Sen (TP.Vũng Tàu) đạt thành tích cao nhất tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2022-2023.

Các cô giáo tranh thủ giờ nghỉ trưa để hoàn thiện mô hình “Ngôi nhà baby kỳ diệu”.
Các cô giáo tranh thủ giờ nghỉ trưa để hoàn thiện mô hình “Ngôi nhà baby kỳ diệu”.

Những mô hình đa năng siêu…rẻ

Tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2022-2023, Trường MN Hương Sen cùng lúc giành 3 giải thưởng: Giải Nhất với giải pháp “Ngôi nhà baby kỳ diệu”, giải Nhì với “Vòng xoay trí tuệ” và giải Khuyến khích cho “Chiếc ô tô thông minh”. Điểm chung của cả 3 giải pháp đều là những mô hình đồ chơi đa năng và siêu rẻ vì vật liệu sử dụng hầu hết là các nguyên liệu tái chế.

Mô hình “Ngôi nhà baby kỳ diệu” của của nhóm tác giả: Nguyễn Thị Thu Thủy, Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyễn Thị Thanh Vân có hình dạng như một ngôi nhà thu nhỏ được tạo nên từ nhiều tấm formex (nhựa xốp cách nhiệt) dán simili có màu sắc sặc sỡ, bắt mắt. Tất cả mọi mặt phẳng và không gian của ngôi nhà đều được tận dụng tối đa để thiết kế các trò chơi động-tĩnh đan xen. Với 5 cách sử dụng, mô hình mang đến cho trẻ những điều kỳ diệu về 10 chủ đề trong năm học. Trẻ được làm quen với chữ cái, Toán, Âm nhạc, vẽ, cắt dán…, được vận động qua các trò chơi như: ném bóng, chạy, bật, bò với mức độ từ dễ đến khó. 

Cô Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, mô hình chủ yếu được tạo nên từ phế liệu như: ống hút nhựa, nắp chai, vỏ hộp sữa… “Đắt giá” nhất chỉ có tấm formex, mạch điện tử, bóng đèn, loa bluetooth. Thế nhưng, ngoài sự đa năng, mô hình còn có thêm nhiều ưu thế như không thấm nước, độ bền cao, dễ dàng tháo gỡ, lắp ghép, di chuyển, dễ vệ sinh và an toàn khi sử dụng, được Ban Giám khảo Hội thi đánh giá rất cao.

Mô hình “Ngôi nhà baby kỳ diệu” có nhiều cách chơi khác nhau, giúp trẻ phát triển cả nhận thức, kỹ năng và vận động.
Mô hình “Ngôi nhà baby kỳ diệu” có nhiều cách chơi khác nhau, giúp trẻ phát triển cả nhận thức, kỹ năng và vận động.

Độc đáo không kém là mô hình “Vòng xoay trí tuệ” của nhóm tác giả Lê Thị Thanh Huyền, Ninh Thanh Thủy và Lê Thị Thân. Lấy ý tưởng từ chương trình “Chiếc nón kì diệu”, mô hình “Vòng xoay trí tuệ” gồm 1 vòng tròn là chiếc bàn cũ đặt trên giá đỡ hình trụ, có trục quay được tận dụng từ trục của chiếc quạt hỏng, kim quay được cắt từ vỏ chai nhựa và hình chóp là nón lá cũ được trang trí rực rỡ bằng mút xốp, nắp chai nhựa, ống hút… Mô hình còn được trang bị loa bluetooth, đèn led tạo sự sinh động để thu hút trẻ. Với “Vòng xoay trí tuệ”, trẻ được trải nghiệm 4 trò chơi để làm quen với chữ cái, Toán, Âm nhạc, thơ, truyện... 

Nắm bắt nhu cầu vui chơi, khám phá thế giới của trẻ, cô Nguyễn Thị Na và các đồng đội của mình đã cho ra đời mô hình “Ô tô thông minh”. Mô hình có hình dạng như một chiếc ô tô tải, được ghép từ nhiều tấm formex cũ trên khung nhôm chắc chắn, độ bền cao và dễ tháo gỡ, lắp ghép. Mỗi mặt của đầu xe, thân xe được thiết kế 1 trò chơi khác nhau. Mỗi trò chơi lại có nhiều cách chơi, giúp trẻ thỏa sức khám phá những điều mới mẻ về thế giới xung quanh. Phần thân xe được thiết kế như một gian hàng lưu động để trẻ có thể chơi các trò chơi “đóng vai” đầy thú vị. Điểm mới của mô hình là ứng dụng công nghệ thông tin qua việc kết hợp video, hình ảnh trên điện thoại với kỹ thuật hologram (hình ảnh nổi 3 chiều) để trẻ được chiêm ngưỡng hình ảnh 3 chiều sống động, chân thực.

Những mô hình do các cô giáo tự tay chế tạo không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường mà còn mang tính ứng dụng cao, phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý của trẻ, tạo sự gắn kết giữa cô với trò, giữa GV và phụ huynh. Đây cũng là sân chơi bổ ích để cô giáo MN phát huy tài năng, sự khéo léo, sáng tạo và nâng cao năng lực chuyên môn.
Để thúc đẩy phong trào sáng tạo đồ dùng đồ chơi trong trường học, Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên mở các buổi tập huấn, hội thi làm đồ dùng đồ chơi cấp trường để tìm ra giải pháp độc đáo, thiết thực. Với sự đầu tư, tâm huyết, đã mang lại cho Trường MN Hương Sen thành quả đáng tự hào. Đó là động lực giúp các cô giáo thêm yêu nghề, mến trẻ, không ngừng tìm tòi, sáng tạo để mang đến cho trẻ những điều tốt đẹp nhất.
Cô Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Hiệu trưởng Trường MN Hương Sen

 

Trao “vòng đời rực rỡ” cho phế liệu

Như một “phản xạ tự nhiên”, mỗi khi bắt gặp phế liệu hay dùng xong một món đồ, các cô giáo Trường MN Hương Sen lại suy nghĩ, trăn trở làm sao để biến phế liệu thành đồ dùng có ích trong lớp học. “Khi nhìn thấy những vật liệu có thể tái chế, tôi đều gom lại để dành. Khi có thời gian, tôi lấy ra nghiên cứu cách làm đồ chơi cho trẻ hoạt động”, cô Huyền chia sẻ.

Ngoài việc tự thu gom, các cô còn phát động phụ huynh thu gom từ những vật liệu nhỏ  như nắp chai, vỏ chai, ống hút nhựa, bìa catton đến bàn ghế hỏng, tấm formex cũ... Tất cả đều được các cô tận dụng tối đa để tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường. Chính vì vậy mô hình đồ chơi tự tạo có chi phí “siêu rẻ”.

Hành trình tái sinh phế liệu thành những mô hình độc đáo lại là điều không hề đơn giản, đòi hỏi óc sáng tạo, sự kỳ công và kiên trì. Do đặc thù công việc bận rộn, các cô giáo đều phải tranh thủ thời gian nghỉ trưa, thời gian rảnh cuối ngày, cuối tuần để làm mô hình. Mỗi mô hình hoàn chỉnh thường mất từ 2-3 tháng thực hiện. Thậm chí, có mô hình từ khi lên ý tưởng tới lúc hoàn thiện mất tới 2 năm. Mỗi công đoạn đều đỏi hỏi sự tỉ mỉ đến từng chi tiết. Sau khi hoàn thiện, mô hình được đưa vào sử dụng trong lớp học. Nhưng đây vẫn chưa phải công đoạn cuối cùng. Thông qua quá trình quan sát trẻ hoạt động với mô hình, các cô giáo lại tiếp tục nghiên cứu, cải tiến sản phẩm. 

“Vất vả là thế, nhưng chỉ cần nhìn thấy các con hào hứng, thích thú vui chơi cùng “đứa con tinh thần” do mình dày công sáng tạo thì bao nhiêu mệt mỏi đều tan biến hết”, cô Na bày tỏ.

Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN

 
;
.