Với sự linh hoạt trong việc huy động nguồn lực, lồng ghép các chương trình hỗ trợ, TP.Bà Rịa đã khơi dậy ý chí, nghị lực vươn lên thoát nghèo của người dân. Đến nay, thành phố chỉ còn 1,86% hộ nghèo theo chuẩn tỉnh.
Chị Phùng Thị Thúy (KP.Kim Hải, phường Kim Dinh) với công việc sản xuất chậu xi măng trồng cây kiểng. |
"Chìa khóa" thoát nghèo
Việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các kênh tín dụng đã giúp người dân Bà Rịa có sinh kế ổn định, thoát nghèo bền vững, từng bước vươn lên khấm khá.
Trước đây, gia đình chị Phùng Thị Thúy (KP.Kim Hải, phường Kim Dinh) thuộc diện khó khăn. Cuộc sống phụ thuộc vào nghề trồng rau nhưng thu nhập thất thường. Năm 2010, được chính quyền, các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện vay 20 triệu đồng vốn ưu đãi, chị Thúy đầu tư sản xuất chậu trồng cây kiểng. Ban đầu do ít vốn, chị còn thiếu kinh nghiệm nên số lượng chậu sản xuất còn ít, chủ yếu sử dụng cho mùa hoa Tết. Năm 2020, với 50 triệu đồng vốn ưu đãi được vay thêm, chị Thúy mở rộng quy mô sản xuất chậu lên gấp đôi. Nhờ được tạo điều kiện vay vốn sản xuất, gia đình chị Thúy đã vươn lên thoát nghèo, có thu nhập khá.
Chị Thúy cho biết: “Mỗi ngày gia đình tôi làm được khoảng 25 đến 30 chậu kiểng. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi từ 15-17 triệu đồng/tháng. Từ nguồn thu này, tôi đầu tư xoay vòng để có thể tiếp tục phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Từ đầu năm 2023 đến nay, TP.Bà Rịa đã cấp gần 2.000 thẻ BHYT cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trong vòng 3 năm với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Qua đó, bảo đảm 100% người nghèo được cấp thẻ BHYT, giúp cho người nghèo giảm bớt gánh nặng về chi phí khám chữa bệnh; 42 hộ được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà. |
Cũng như gia đình chị Thúy, hàng ngàn hộ dân trên địa bàn TP.Bà Rịa đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ các kênh tín dụng trong tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, với phương châm “trao cần câu hơn trao xâu cá”, nhiều mô hình sinh kế được các hội đoàn thể phối hợp triển khai đã giúp hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Cùng với triển khai hiệu quả chương trình vay vốn giúp hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, TP.Bà Rịa còn tập trung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo nhằm tạo đòn bẩy cho hộ nghèo vươn lên, điển hình như gia đình ông Bùi Văn Tâm (phường Kim Dinh).
Là hộ nghèo chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020, hộ ông Tâm được hỗ trợ vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi để thuê đất trồng rau bỏ mối. Trừ chi phí sản xuất, thu nhập hàng tháng của gia đình ông từ 15-20 triệu đồng. Đến năm 2020, ông trả hết nợ và xin nâng hạn mức vay lên 70 triệu đồng để đầu tư trồng rau thơm và trồng hoa bán vào dịp Tết. Nhờ vậy, thu nhập gia đình tăng thêm, đạt khoảng 25 triệu đồng/tháng. Năm 2019, gia đình ông còn được hỗ trợ 55 triệu đồng để xây nhà “đại đoàn kết”. Cuối năm 2019, ông làm đơn xin thoát nghèo.
Theo thống kê của UBND TP.Bà Rịa, từ đầu năm 2023 đến nay, có 20 hộ nghèo, cận nghèo và thoát nghèo được hỗ trợ vay 965 triệu đồng phát triển kinh tế. Tổng số dư nợ hộ nghèo, cận nghèo và thoát nghèo đến tháng 8/2023 khoảng 400 hộ với số tiền hơn 15,8 tỷ đồng. |
Chất lượng cuộc sống người dân nâng lên
Báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn giám sát các chương trình mục tiêu quốc gia của UBND tỉnh vừa qua, ông Đặng Huy Quang, Phó Chủ tịch UBND TP.Bà Rịa cho biết, với mục tiêu giảm nghèo bền vững, TP.Bà Rịa đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp, chính sách, trong đó lồng ghép hiệu quả các chương trình giảm nghèo gắn với công tác đào tạo nghề.
Đặc biệt, thành phố ưu tiên đào tạo nghề cho lao động nông thôn, qua đó tạo việc làm tăng thêm cho hàng trăm lao động. Các hội, đoàn thể trên địa bàn thành phố đã phối hợp triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ hộ nghèo. Nhờ đó, người nghèo có nhiều cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội, phát triển sản xuất, tạo thu nhập và vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đến nay, tổng số hộ nghèo theo chuẩn tỉnh của TP.Bà Rịa là 559/30.116 hộ, chiếm tỷ lệ 1,86%, không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia.
“Thành phố đã nỗ lực tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao dân trí, tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn lao động; hạn chế tốc độ gia tăng khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa thành thị và nông thôn. Với nỗ lực ấy, chất lượng cuộc sống người dân từng bước được nâng lên, đời sống của hộ nghèo được cải thiện”, ông Đặng Huy Quang khẳng định.
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN