NỘI DUNG LIÊN QUAN:
Gần 1.700 HS còn rơi rớt lại sau khi phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS trong năm học này, đó là con số thống kê tính tới giữa tháng 7/2023. Trước thực trạng đó, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để các em không bơ vơ trước bước ngoặt cuộc đời.
Biểu đồ thể hiện sự biến động về số học sinh chưa được phân luồng từ năm 2019 đến 2023. |
Học hết lớp 9 đi bán hàng, phụ hồ…
Thống kê của UBND tỉnh cho thấy, tính đến 15/7/2023 có tổng số gần 1.700 HS tốt nghiệp THCS nhưng chưa được phân luồng. Theo kết quả điều tra của các địa phương, các em không lựa chọn tiếp học văn hoá THPT hay vào học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) mà phần lớn làm nghề tự do, phụ hồ, bán hàng hay đơn giản là đang ở nhà...
UBND tỉnh nhận định, nguyên nhân khiến những em HS này không lựa chọn phân luồng là do năng lực học tập không đáp ứng, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, hoặc do nhận thức của HS, phụ huynh còn hạn chế…
Em Hồ Thanh Thảo (trú tại xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ) chia sẻ: “Sau khi thi rớt lớp 10 công lập, em rất buồn và hoang mang. Ba mẹ cho em tự quyết định, nhưng em cũng không xác định được sở trường của mình là gì để đưa ra lựa chọn”.
Đại diện Trường Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic tư vấn chọn ngành nghề cho những HS chưa có định hướng sau khi tốt nghiệp THCS. |
Chị Nguyễn Thị Bé Tư, mẹ của Thảo cho hay, gia đình có định hướng cho Thảo học nghề uốn tóc để không tốn thời gian học tập mà có thể đi làm ngay để có thu nhập nhưng con không đồng ý. “Vợ chồng tôi để con bé chơi hết năm nay rồi tính tiếp”, chị Tư nói.
Nguyễn K.D (trú tại TP. Vũng Tàu) sau khi tốt nghiệp THCS, không thi THPT mà em vào làm việc trong xưởng chế biến thủy sản ở gần nhà. Công việc của em bắt đầu từ 3 giờ sáng và kết thúc vào 1-2 giờ chiều. K.D lựa chọn đi làm sớm vì em tự nhận thấy học không nổi, ba em lại thường xuyên đau yếu nên em muốn sớm đi làm có thu nhập để trang trải cuộc sống.
Còn L.L. , một nữ sinh tại TP. Vũng Tàu thì lựa chọn công việc làm tiếp viên sau khi tốt nghiệp THCS. Dù được Ban Giám hiệu trường THCS định hướng theo học GDNN nhưng L. và gia đình không lựa chọn. Khi chúng tôi hỏi về những khó khăn trong việc định hướng tương lai, chị D. mẹ em cho hay: “Không có khó khăn gì!” và từ chối trao đổi thêm.
Ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho hay: “Thông tin trên cho thấy không học tiếp chương trình THPT không đồng nghĩa các em sẽ lựa chọn GDNN. Số lượng HS lựa chọn trở thành lao động tự do hoặc chưa có định hướng là con số rất đáng suy ngẫm, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các vấn đề xã hội. Quản lý, chăm lo, định hướng cho các em như thế nào là bài toán khó đặt ra cho tất cả các địa phương”.
Bà Vương Thị Dung, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh chia sẻ, bản thân bà trăn trở khi nhìn vào thông tin điều tra do các địa phương cung cấp. Nhiều HS lựa chọn làm tiếp viên, làm nail, phụ hồ, làm nghề biển… khi vừa tốt nghiệp THCS. Ở đây không chỉ xảy ra tình trạng vi phạm Luật Lao động, nhiều công việc không phù hợp với lứa tuổi, tâm sinh lý của các em, mà còn là hàng loạt nguy cơ các em đối diện khi tuổi đời còn quá trẻ.
Sở LĐTBXH, các cơ sở GDNN đã và đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tư vấn, hướng nghiệp cho HS. Trong ảnh: HS Trường THCS Phước Thắng (TP. Vũng Tàu) tham quan trải nghiệm tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Đi từng ngõ, gõ từng nhà
Được đánh giá là nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, những HS chưa được phân luồng đã và đang nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các địa phương.
Ông Phạm Trần Ninh, Phó Trưởng Phòng LĐTBXH huyện Long Điền cho biết, sau khi công bố kết quả tuyển sinh lớp 10, huyện đã rà soát, thống kê cụ thể số lượng và thông tin của từng trường hợp HS không trúng tuyển lớp 10 công lập.
Huyện thành lập các tổ tư vấn cho phụ huynh, HS, phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn theo sát HS sau tốt nghiệp THCS, nhất là những HS chưa được phân luồng. Các tổ, nhóm tư vấn đã tới từng gia đình những em HS này để nắm bắt tình hình, vận động các gia đình cho con em tiếp tục theo học GDNN.
Theo ông Ninh, những HS này hầu hết sống trong các khu nhà trọ, gia đình đông người, nên phụ huynh mong muốn các em đi làm sớm để phụ thêm cho gia đình. Các tổ, nhóm tư vấn đã giải tỏa những băn khoăn của phụ huynh về vấn đề học phí, việc làm, đi lại…, vận động phụ huynh suy nghĩ vì tương lai con em mình. Đoàn cũng để lại thông tin liên hệ, đồng thời thu thập thông tin của phụ huynh, yêu cầu cán bộ cấp xã thường xuyên liên hệ với phụ huynh để nắm bắt tình hình. Ngoài các tổ tư vấn của huyện, nhiều khu phố, ấp cũng được thành lập với sự tham gia của MTTQ, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ địa phương để kịp thời tư vấn, quản lý HS trên địa bàn, hạn chế tình trạng các em sa vào tệ nạn xã hội.
Bên cạnh đó, huyện còn thành lập nhóm Zalo về hướng nghiệp với sự tham gia của các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh và các xã, thị trấn. Qua đó cập nhật thông tin của các trường tới các địa phương. Thông tin về phân luồng, hướng nghiệp và các chương trình liên quan còn thường xuyên được đăng, phát trên đài truyền thanh các xã, thị trấn và fanpage của huyện.
Huyện cũng đề nghị các cơ sở GDNN thường xuyên thông tin tình hình HS đăng ký học hoặc bỏ học, phối hợp chặt chẽ với gia đình và địa phương để vận động, quản lý các em. Ngoài ra, UBND huyện Long Điền còn phối hợp với Sở LĐTBXH và các trường nghề tổ chức chương trình hướng nghiệp, có xe đưa đón HS, phụ huynh ở những địa bàn xa tới tham dự chương trình.
Bà Đinh Thị Trúc My, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho hay, với phương châm không để HS nào bị bỏ lại phía sau, Sở LĐTBXH, các cơ sở GDNN đã và đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tiếp tục tư vấn cho HS chưa được phân luồng tới hết tháng 11 - đợt tuyển sinh cuối cùng của năm nay. Những HS còn lại vẫn sẽ tiếp tục được theo sát và hỗ trợ để các em có thể tham gia học nghề vào những năm sau.
Có một thực tế là không cần đi học vẫn có thể kiếm được việc làm. Tuy nhiên, công việc đó có bền vững, có thể gắn bó với các em suốt đời được hay không? Tôi cho rằng việc theo học tại các cơ sở GDNN sẽ đem lại cho các em những giá trị to lớn và bền vững hơn. Các em sẽ có tay nghề vững vàng, kỹ năng, thái độ làm việc phù hợp, được đào tạo bài bản về an toàn lao động. Là người lao động đã qua đào tạo, các em có thể làm việc với năng suất cao hơn để có được nguồn thu nhập tốt. Không chỉ vậy, các em còn có nhiều cơ hội thay đổi vị trí việc làm hoặc thăng tiến trong nghề nghiệp. Chưa kể, việc theo học trình độ trung cấp cũng là tiền đề để các em học liên thông lên những bậc học cao hơn. Ông Dương Tấn Tín, Phó Trưởng Phòng GDNN, Sở LĐTBXH |
Hỗ trợ HS bằng khoá đào tạo nghề ngắn hạn
Năm 2023, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là 1 trong 2 địa phương trên cả nước triển khai chương trình “Kỹ năng nghề và kỹ năng chuyển đổi cho trẻ em và thanh niên ngoài nhà trường ở Việt Nam” do Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội tổ chức. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Công đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu là đơn vị được Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, UBND tỉnh và Sở LĐTBXH chọn làm đối tác để triển khai chương trình trên địa bàn. Chương trình tổ chức đào tạo 7 ngành nghề cho thanh thiếu niên ngoài nhà trường có độ tuổi từ 15-18 đang sinh sống tại Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời gian 120 giờ, tương đương với 15 ngày thực học. Tham gia khóa học, các em được miễn hoàn toàn học phí, được phụ cấp thêm tiền ăn trưa, đi lại từ 80-100 ngàn đồng/ngày.
Tính đến ngày 15/7, số HS chưa được phân luồng trong năm 2023 lên tới gần 1.700 em. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến 15/9, con số này đã giảm còn 919 em, thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. |
Ông Trần Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Trước thực trạng nhiều HS sau tốt nghiệp THCS tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không tiếp tục đi học, tự tìm việc làm hoặc làm việc tại nhà, Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội đã tổ chức chương trình nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của các nhóm trẻ em dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất, hướng tới công việc và cuộc sống tốt đẹp của các em. Với kỹ năng nghề được trang bị, các em có thể có được công việc ổn định với mức thu nhập tốt hơn. Điếu đó sẽ phần nào giúp các em vững vàng hơn trước bước ngoặt cuộc đời”.
Bài, ảnh: KHÁNH CHI