Vì sao phân luồng học nghề sau THCS chưa đạt hiệu quả? - Kỳ 3: "Lỗ hổng" trong truyền thông và nhận thức

Thứ Tư, 27/09/2023, 18:24 [GMT+7]
In bài này
.

NỘI DUNG LIÊN QUAN:

Truyền thông về phân luồng, hướng nghiệp chưa thực sự có chiều sâu. Nhận thức của phụ huynh, HS và cả giáo viên về phân luồng, hướng nghiệp cũng chưa thực sự đầy đủ. Đó là những “lỗ hổng” khiến cho con đường đến với mục tiêu phân luồng hướng nghiệp trở nên gập ghềnh.

Đại diện Trường Phổ thông CĐ FPT Polytechnic Bà Rịa-Vũng Tàu tư vấn hướng nghiệp cho HS sau THCS.
Đại diện Trường Phổ thông CĐ FPT Polytechnic Bà Rịa-Vũng Tàu tư vấn hướng nghiệp cho HS sau THCS.

Chưa được quan tâm đúng mức

Ông Nguyễn Văn Ba, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, hiện nay, 100% trường THCS thành lập bộ phận kiêm nhiệm về tư vấn hướng nghiệp với số lượng 693 người. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT chưa ban hành tiêu chí đánh giá việc thực hiện giáo dục hướng nghiệp trong cơ sở giáo dục phổ thông và tiêu chuẩn lựa chọn đối với người làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong trường phổ thông.

Hoạt động hướng nghiệp trong trường phổ thông còn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí tổ chức. Trong ảnh: HS Trường THCS Võ Trường Toản (TP.Vũng Tàu) tham gia chương trình tư duy hướng nghiệp với chuyên gia.
Hoạt động hướng nghiệp trong trường phổ thông còn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí tổ chức. Trong ảnh: HS Trường THCS Võ Trường Toản (TP.Vũng Tàu) tham gia chương trình tư duy hướng nghiệp với chuyên gia.

Đội ngũ làm công tác này chưa được đào tạo, bồi dưỡng bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ hướng nghiệp, chủ yếu là cán bộ quản lý, GV kiêm nhiệm. GV thực hiện hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong chương trình GDPT 2018 được tuyển mới, nhưng về chuyên môn cũng từ các bộ môn khác chuyển sang. Họ vừa tham gia tập huấn, vừa dạy, vừa học tập, rút kinh nghiệm nên còn lúng túng trong việc tuyên truyền và tư vấn cho HS. Không chỉ vậy, đội ngũ này cũng chưa được hưởng chính sách riêng khi thực hiện nhiệm vụ.

Đặc biệt, trong các trường phổ thông, đội ngũ làm công tác hướng nghiệp chưa nắm được đầy đủ, chính xác các thông tin về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng như thị trường lao động và việc làm, ngành nghề đào tạo và các cơ sở đào tạo nghề, chính sách đối với người học và chính sách ưu đãi trong giáo dục nghề nghiệp, về cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm và nhu cầu nhân lực của thị trường lao động… “Để có thông tin tư vấn cho HS, GV của trường phải… tự lên mạng tìm kiếm tài liệu”, thầy Nguyễn Ngọc Quang, Hiệu trưởng Trường THCS Phước Tân (huyện Xuyên Mộc) chia sẻ. 

Đại diện Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu tư vấn, định hướng ngành nghề cho HS THCS.
Đại diện Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu tư vấn, định hướng ngành nghề cho HS THCS.

Thầy Trương Văn Hổ, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản (TP.Vũng Tàu) cho biết thêm, áp lực về chỉ tiêu chất lượng giáo dục văn hóa cũng ảnh hưởng không nhỏ tới cán bộ quản lý và GV các nhà trường, khiến cho hoạt động hướng nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, có nơi gần như bỏ ngỏ. Ngoài ra, kinh phí để thực hiện công tác hướng nghiệp trong trường học không nhiều nên các trường khó có thể tổ chức một cách quy mô và xuyên suốt.

Không chỉ vậy, công tác hướng nghiệp của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong những năm qua cũng chủ yếu dừng ở hoạt động tư vấn tuyển sinh.

Đại diện Trường CĐ Quốc tế Vabis thông tin về các ngành nghề đào tạo của trường đến phụ huynh HS.
Đại diện Trường CĐ Quốc tế Vabis thông tin về các ngành nghề đào tạo của trường đến phụ huynh HS.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT TP.Bà Rịa cho biết, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp kết hợp với các trường học để sinh hoạt chuyên đề về hướng nghiệp cho HS chưa nhiều. Cách tổ chức đơn điệu, nội dung chưa phong phú, chủ yếu là tư vấn tuyển sinh bằng hình thức thông báo hoặc phát tờ rơi, chứ chưa tư vấn, định hướng được nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở trường của từng HS, cũng như nhu cầu nguồn lao động nên chưa thu hút được phụ huynh, HS tham gia.

Cần được “đả thông tư tưởng” 

Thầy Trương Văn Hổ cho hay, phần lớn phụ huynh HS, thậm chí cả GV có chung suy nghĩ chỉ những HS có học lực yếu kém mới cần được hướng nghiệp sớm để tham gia vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Định kiến này ảnh hưởng rất nhiều đến tư tưởng của HS. "Nó khiến các em chỉ quan tâm đến việc nhồi nhét kiến thức của các môn văn hóa mà xem nhẹ vai trò của việc định hướng nghề nghiệp. Trong khi đó, giáo dục hướng nghiệp rất quan trọng trong bước đường tương lai của trẻ. Do đó, GV và phụ huynh HS cần được “đả thông tư tưởng” về vấn đề này”, thầy Hổ nói.

Chính vì nhận thức chưa đầy đủ về phân luồng hướng nghiệp nên cách thức triển khai ở nhiều địa phương và cơ sở giáo dục cũng được cho là chưa phù hợp với mục đích của công tác phân luồng hướng nghiệp. Phân luồng HS sau THCS không đồng nghĩa với việc sử dụng “biện pháp kỹ thuật” là hạn chế HS vào THPT công lập.

Bà Trương Huỳnh Như, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu bày tỏ, các cơ sở giáo dục phổ thông đang mặc định chỉ có HS có lực học yếu kém mới vào học nghề và thực hiện việc phân loại đối tượng HS này để tư vấn, định hướng. Điều này không chỉ khiến HS bị tổn thương, phụ huynh tự ái mà còn làm cho trường nghề mất đi vị thế, thương hiệu, vô tình tạo ra định kiến với GDNN.

Thống kê của UBND tỉnh cho thấy, từ năm 2019 đến nay có tổng số 6.350 HS chọn theo học các nghề tự do hoặc chưa có định hướng sau khi tốt nghiệp THCS.

Một trở ngại không nhỏ nữa trong công tác phân luồng, hướng nghiệp chính là nhận thức của phụ huynh về GDNN. Phần lớn phụ huynh vẫn coi trọng bằng cấp, mong muốn con em mình tiếp tục học lên THPT chứ không chọn rẽ hướng sang GDNN. Từ thực tế triển khai công tác phân luồng, hướng nghiệp, lãnh đạo một số trường THCS chia sẻ, nhiều phụ huynh bày tỏ sự bất hợp tác khi nhà trường triển khai các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, kể cả trường hợp HS có học lực yếu, kém. Không ít trường hợp HS thi rớt lớp 10 công lập nhưng phụ huynh vẫn từ chối cho con học GDNN, để lựa chọn theo học các trường THPT ngoài công lập, GDTX, tiếp tục ôn thi lại, thậm chí học nghề tự do.

Hoạt động phân luồng, hướng nghiệp triển khai bằng hình thức tuyên truyền trong môi trường học tập và trải nghiệm tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Điều đó là chưa đủ để HS có nhận thức rõ ràng và sâu sắc về nghề nghiệp để đưa ra lựa chọn đúng đắn cho tương lai.

(Ông Lê Thanh Kính, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Châu Đức)

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế Vabis cho hay, trong quá trình tư vấn hướng nghiệp, các trường nghề rất khó tiếp cận với phụ huynh, HS. Đơn cử như chương trình tư vấn hướng nghiệp mới đây tại TX.Phú Mỹ, chỉ có 18 phụ huynh, HS tham dự nên thể không tổ chức. 2 tuần sau, dù địa phương và các trường đã ra sức vận động nhưng con số này rơi rớt chỉ còn lại đúng… 3 người.

Bà Đinh Bích Diệp, Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu cho biết thêm, nhận thức của HS và cộng đồng, xã hội về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục chủ yếu dựa vào cảm tính, sở thích cá nhân mà chưa chú trọng tới năng lực bản thân và đặc điểm công việc. HS chủ yếu lựa chọn các ngành hấp dẫn theo xu hướng của số đông mà không căn cứ vào năng lực cá nhân, điều kiện gia đình, không chú ý đúng mức đến những nhu cầu của thị trường lao động nên tỷ lệ HS trường nghề bỏ học tương đối cao.

(Còn nữa)

KHÁNH CHI

 

 

 

;
.